Thiết kế kiểu dáng công nghiệp là gì? Bảo hộ bao lâu?
Mục lục
Thiết kế kiểu dáng công nghiệp là một trong các quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến. Thế nhưng trong thực tiễn không ít người vẫn có sự nhầm lẫn với sáng chế. Vậy thiết kế kiểu dáng công nghiệp là gì? Được bảo hộ khi nào? Thời hạn bảo hộ là bao lâu? Cùng chúng tôi giải đáp các vấn đề trên trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Thiết kế kiểu dáng công nghiệp là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định:
“4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Như vậy, thiết kế kiểu dáng công nghiệp được xác định thuộc nhóm quyền sở hữu công nghiệp.
Mặt khác, tại khoản 13 Điều này giải thích: “13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.”
Trong đó:
- Sản phẩm ở đây được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.
- Yếu tố ở đây đó có thể là:
- Yếu tố 2 chiều (2D): Họa tiết, màu sắc, đường nét.
- Yếu tố 3 chiều (3D): hình khối, cấu trúc.
Ví dụ: Thảm, cái ghế ngồi.
2. Thiết kế kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi nào?
Theo quy định tại Điều 63 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện chung đối với đăng ký kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ:
“Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có tính sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.”
2.1. Có tính mới
Là kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai, dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
2.2. Có tính sáng tạo
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
2.3. Có khả năng áp dụng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Mặt khác, tại điểm a khoản 3 Điều 6 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp phải đăng ký bảo hộ theo quy định.
3. Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong thời gian bao nhiêu lâu?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 93 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ về hiệu lực của văn bẳng bảo hộ như sau:
“4. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.”
4. Đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam
Không phải kiểu dáng nào cũng có thể là đối tượng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp. Theo quy định tại Điều 64 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ, một số đối tượng không được bảo hộ với tư cách là kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
- Hình dáng bên ngoài được quyết định hoàn toàn bởi chức năng của sản phẩm,
- Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
5. Sự khác biệt giữa kiểu dáng công nghiệp và sáng chế
Về định nghĩa
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này
- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Về điều kiện bảo hộ
Đối với kiểu dáng công nghiệp: Theo như phân tích trên.
Đối với sáng chế:
- Tính mới
- Tính sáng tạo: là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng
- Có khả năng áp dụng công nghiệp
Về thời hạn bảo hộ
- Kiểu dáng công nghiệp 05 năm, có thể gia hạn 02 lần – tổng tối đa là 15 năm.
- Còn sáng chế được bảo hộ 20 năm và không được gia hạn.