Bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm văn học?
Trong xu hướng công nghệ hóa, những sản phẩm về phần mềm ra đời ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Xuất phát từ những đặc điểm đặc thù của phần mềm máy tính như dễ sao chép, có tính phổ biến cao, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân yên tâm sáng tạo, chương trình máy tính được pháp luật đặc biệt quan tâm bảo hộ.
Chương trình máy tính được hiểu là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Khoản 1 điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Khoản 2 điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc loại trừ cấp bằng độc quyền sáng chế (patent) cho chương trình máy tính. Như vậy pháp luật Việt Nam quy định chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với Chương trình máy tính, phần mềm máy tính không được bảo hộ dưới dạng các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.
Sở dĩ Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học bởi lẽ:
Khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS quy định các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971). Tại Khoản 2 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với một Chương trình máy tính là kể từ lúc Chương trình máy tính được định hình dưới một dạng vật chất nhất định mà không cần phải tiến hành bất kỳ một thủ tục nào. Các quốc gia thành viên Công ước Berne đều phải tôn trọng ngay lập tức quyền tác giả của Chương trình máy tính vào thời điểm nó được công bố tại một trong các quốc gia thành viên nên khi Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học sẽ là một lợi thế trong quá trình hội nhập.
Một điểm quan trọng là pháp luật quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm chứ không bảo hộ ý tưởng của tác phẩm. Chương trình máy tính sẽ vô nghĩa khi bị đánh cắp ý tưởng, tuy nhiên chủ sở hữu Chương trình máy tính sẽ bị thiệt hại về kinh tế khi nó bị sao chép bất hợp pháp. Đối với một tác phẩm quyền tài sản quan trọng nhất là quyền sao chép tác phẩm, do đó việc bảo hộ Chương trình máy tính như tác phẩm văn học sẽ là cơ chế mạnh để ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp Chương trình máy tính.
Hơn nữa, pháp luật quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng của Chương trình máy tính, vì vậy nó không ngăn cản người sử dụng Chương trình máy tính tiến hành các phân tích ngược để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của Chương trình máy tính nhằm mục đích phát triển Chương trình máy tính. Người tiến hành phân tích ngược thành công là chủ sở hữu của Chương trình máy tính mới. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm.
Không giống như các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, khi giá trị của nó là ở việc áp dụng sản xuất sản phẩm và thu lợi từ sản phẩm đó thì phần mềm máy tính khó tạo ra một sản phẩm cụ thể. Chính vì vậy không có đối tượng nào của quyền sở hữu công nghiệp là phù hợp để bảo hộ phần mềm máy tính, chỉ sáng chế là có khả năng nhưng đã bị loại trừ khỏi phạm vi cấp bằng bảo hộ theo quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ. Việc bảo hộ phần mềm máy tính như tác phẩm văn học là hợp lý nhất.