Khái niệm bản quyền phần mềm – Bảo hộ bản quyền phần mềm.
Mục lục
Phần mềm tập hợp các dữ liệu, câu lệnh hướng dẫn để thiết lập hoạt động của máy tính hoặc thiết bị điện tử nào. Khái niệm bản quyền phần mềm ngày càng được nhiều người quan tâm vì những giá trị thiết thực mà bản thân phần mềm mang lại cho chủ sở hữu. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu các quy định pháp lý về bảo hộ bản quyền phần mềm ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Khái niệm bản quyền phần mềm
Về khái niệm bản quyền phần mềm, có thể hiểu đơn giản đây là quyền sử dụng, khai thác hợp pháp của chủ sở hữu đối với phần mềm thuộc sở hữu của mình. Bất kỳ tổ chức, cá nhân khi muốn sử dụng phần mềm đều cần tôn trọng quyền tác giả đối với chủ sở hữu phần mềm, mọi hành vi sử dụng phần mềm trái phép đều có chế tài xử lý xâm phạm quyền tác giả nghiêm minh.
Tại sao phải bảo hộ bản quyền phần mềm?
Sau khi nắm được khái niệm bản quyền phần mềm, có thể thấy đây là một trong những loại quyền sở hữu khá đặc biệt với đối tượng sở hữu là quyền tác giả vô hình, chứ không phải là một loại tài sản hữu hình thường thấy. Việc bảo hộ bản quyền phần mềm hết sức quan trọng, thông qua đó:
- Pháp luật sẽ ghi nhận quyền tác giả của bạn đối với phần mềm của mình và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đây là tài liệu pháp lý quan trọng trong việc chứng minh quyền sở hữu với phần mềm.
- Có quyền tự do khai thác, sử dụng sản phẩm của mình. Đồng thời, bạn hoàn toàn có thể chuyển nhượng quyền tác giả của mình cho tổ chức, cá nhân khác; cũng như cho phép người khác sử dụng phần mềm của mình hay không.
- Quyền tác giả cho phép bạn thực hiện một số biện pháp tự bảo hộ bản quyền, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp, xử lý các hành vi có dấu hiệu xâm phạm bản quyền phần mềm mà bạn đang sở hữu.
Trình tự đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho phần mềm
Với khái niệm bản quyền phần mềm, bạn có thể thực hiện bảo hộ phần mềm dưới hình thức bảo hộ quyền tác giả cho chương trình máy tính.
Quyền tác giả đối với phần mềm, chương trình máy tính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính được hướng dẫn như sau:
“Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền cho phần mềm
Hồ sơ để đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho phần mềm được chuẩn bị theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”