Quy trình đăng ký nhãn hiệu thực hiện như thế nào?
Mục lục
Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục cần thiết của mỗi cá nhân, tổ chức khi muốn được Nhà nước bảo hộ hàng hóa, dịch vụ của mình. Đồng thời cũng là cách khẳng định sự khác biệt giữa sản phẩm của công ty này với công ty khác. Do đó, hiện nay rất nhiều chủ thể đã thực hiện thủ tục này, dẫn đến hệ quả trên thực tế là việc giải quyết của Cơ quan có thẩm quyền bị kéo dài hơn so với quy định của pháp luật. Vậy quy trình đăng ký nhãn hiệu thực hiện thế nào?
1. Tại sao cần phải đăng ký nhãn hiệu?
Trước khi giải thích lý do của việc đăng ký nhãn hiệu, cần định nghĩa trước nhãn hiệu là gì? Theo đó, hiểu đơn giản, nhãn hiệu chính là bất kỳ từ, chữ cái, con số hay hình ảnh nào đó được thể hiện độc lập hoặc có sự kết nối với nhau. Nhãn hiệu chính là dấu hiệu để doanh nghiệp khẳng định tính độc nhất của mình trong việc phân biệt với sản phẩm hàng hóa cũng như dịch vụ với doanh nghiệp khác.
Do vậy, đăng ký nhãn hiệu đóng vai trò rất quan trọng. Đây được coi như một biện pháp hữu hiệu giúp các cá nhân, tổ chức có thể độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam mà không bị bất cứ đối tượng nào lợi dụng chiếm đoạt. Đồng thời, đăng ký nhãn hiệu cũng chính là biện pháp chứng minh quyền sở hữu thương hiệu bởi quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu chỉ phát sinh khi đã được đăng ký tại Cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh việc đăng ký thương hiệu, thủ tục đăng ký nhãn hiệu giúp ngăn chặn và hạn chế mọi hành vi xâm phạm quyền đối với thương hiệu đăng ký. Do đó, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và giúp khách hàng dễ dàng nhận diện sản phẩm hàng hóa cũng như dịch vụ của doanh nghiệp. Đăng ký nhãn hiệu sẽ được thực hiện tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức/cá nhân đại diện theo phương thức uỷ quyền.
2. Quy trình đăng ký nhãn hiệu thực hiện như thế nào?
Để thực hiện quy trình đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu cần tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu cụ thể như sau:
Bước 1: Thiết kế và lựa chọn nhãn hiệu
Trước khi đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu cần phải lên ý tưởng và hoàn tất ý tưởng nhãn hiệu thành một sản phẩm thể hiện dưới dạng vật chất. Đồng thời, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu sẽ được đăng ký cho 1 hoặc nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ. Do đó, sau khi thiết kế và lựa chọn nhãn hiệu, chủ sở hữu hoàn toàn có thể gắn nhãn hiệu lên nhóm các sản phẩm/dịch vụ mà mình mong muốn. Tuy nhiên, với việc đăng ký nhiều nhóm này, chủ sở hữu sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn.
Bước 2: Tra cứu khả năng đăng ký
Sau bước thứ nhất, chủ sở hữu sẽ thực hiện việc tra cứu về khả năng đăng ký. Đây không phải là công việc bắt buộc nhưng chắc chắn sẽ hữu ích nếu người đăng ký tiến hành tra cứu.
Trong trường hợp kết quả hiển thị cho thấy nhãn hiệu có khả năng đăng ký, chủ sở hữu nên nộp đơn sớm nhất để được nhận ngày ưu tiên. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu bị trùng hoặc giống với những cá nhân, tổ chức đăng ký trước đó thì buộc phải sửa đổi để tránh bị trả lại hồ sơ ở bước nộp đơn.
Hiện nay, ở Việt Nam, tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu không còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của mạng điện tử. Các hình thức tra cứu gồm:
- Tra cứu trên công cụ tìm kiếm Google.
- Tra cứu trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Tra cứu thông qua các dịch vụ tra cứu.
Bước 3: Nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ
Khi xét thấy có khả năng đăng ký, chủ sở hữu sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ. Đồng thời nên tiến hành nộp đơn đăng ký sớm nhất tại Cục Sở hữu trí tuệ để nhận được ngày ưu tiên sớm.
Bước 4: Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi nộp hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định đơn. Đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ phải trải qua các bước thẩm định như sau:
- Bước 1: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu. Thời gian thẩm định sẽ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và gửi thông báo đến người đăng ký. Trong trường hợp đơn còn nhiều thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối đơn và yêu cầu chủ đơn sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung đã nêu.
- Bước 2: Đăng công báo thông tin đơn đăng ký nhãn hiệu. Thời gian công bố đơn trong thời hạn 02 tháng kể từ khi đơn hợp lệ được chấp nhận. Trong giai đoạn này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đăng thông tin nhãn hiệu đã nộp lên công báo sở hữu công nghiệp.
- Bước 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu. Thời gian của giai đoạn 3 diễn ra trong thời hạn 9 tháng. Đây được đánh giá là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình đăng ký. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tra cứu đánh giá khả năng đăng ký. Trong trường hợp đơn đáp ứng đủ yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ.
- Bước 4: Ra thông báo cấp văn bằng và tiến hành nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tại bước này, người nộp đơn phải nộp thêm phí cấp văn bằng để được nhận Giấy chứng nhận.