Quy trình công bố tiêu chuẩn thực phẩm
Mục lục
Công bố tiêu chuẩn thực phẩm là việc các doanh nghiệp cần phải làm trước khi đưa thực phẩm lưu hành tự do trên thị trường. Ngày nay, thủ tục công bố tiêu chuẩn thực phẩm là bắt buộc, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để có thể thực hiện công bố tiêu chuẩn thực phẩm thành công thì tổ chức, cá nhân sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc tìm hiểu các vấn đề liên quan, chuẩn bị hồ sơ, làm việc với cơ quan chức năng nhà nước.
1. Những sản phẩm nào phải công bố tiêu chuẩn thực phẩm?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có những sản phẩm sau đây phải công bố tiêu chuẩn thực phẩm:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học hoặc là thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;
- Sản phẩm dinh dưỡng được dùng cho trẻ nhỏ đến 36 tháng tuổi;
- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới hoặc là những phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng.
2. Hồ sơ công bố tiêu chuẩn thực phẩm gồm những gì?
Hồ sơ công bố tiêu chuẩn thực phẩm gồm những giấy tờ sau đây:
Trường hợp 1: Sản phẩm nhập khẩu
- Bản công bố sản phẩm;
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do, xuất khẩu hoặc y tế;
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong 12 tháng;
- Bằng chứng chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương khi sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01/07/2019.
Trường hợp 2: Sản phẩm sản xuất trong nước
- Bản công bố sản phẩm;
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong 12 tháng;
- Bằng chứng chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố;
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) khi sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
3. Quy trình các bước công bố tiêu chuẩn thực phẩm ra sao?
Trình tự các bước công bố tiêu chuẩn thực phẩm diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan nhà nước
Chuẩn bị bộ hồ sơ như trên tương ứng với tương ứng với sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất trong nước. Sau đó, nộp hồ sơ đăng ký qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ sau:
- Bộ Y tế: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới hoặc phụ gia chưa có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm;
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đến 36 tháng tuổi;
Lưu ý: Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm của cả Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn nộp hồ sơ đến 1 trong 2 nơi.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ công bố và trả kết quả
Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố tiêu chuẩn thực phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân trên website của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.
Khi không đồng ý với hồ sơ hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu. Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.