Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn, đúng hay sai?
Chỉ dẫn địa lý là đối tượng sỡ hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Tuy nhiên, xét về mặt địa lý thì nó chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Sự nổi tiếng của thương hiệu có chỉ dẫn địa lý là do người tiêu dùng tín nhiệm thông qua chất lượng sản phẩm hay một đặc tính riêng biệt nào đó mà ở những vùng khác không có được.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý
– Phạm vi quyền, chủ sở hữu chỉ dẫn là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
– Thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.
– Phạm vi lãnh thổ: Chỉ áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý
1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;
2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
3. Trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
4. Gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Hiện tại, có khoảng 35 chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ. Trong đó có: Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cam Vinh, xoài cát Hoài Lộc, xoài tròn Yên Châu, bưởi Phúc Trạch, mãng cầu Bà Đen, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận, quýt Bắc Cạn, bưởi Tân Triều, bưởi Đoan Hùng, hồng không hạt Bảo Lâm, quế vỏ Trà My, quế vỏ Văn Yên, cói Nga Sơn, hạt dẻ Trùng Khánh, gạo Tám Xoan Hải Hậu, gạo Nàng Nhen Thơm Bảy Núi, gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân, thuốc lào Tiên Lãng, nón lá Huế, mắm tôm Hậu Lộc, chuối Ngự Đại Hoàng, vải thiều Thanh Hà, hoa Hồi Lạng Sơn, rượu mạnh (Cộng hòa Pháp) Cognac, rượu (Cộng hòa Peru) Pisco, rượu mạnh (Scốt-len) Scotch whisky, chè Shan tuyết Mộc Châu, mật ong bạc hà Mèo Vạc…