Tổng quan bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Mục lục
Nhắc đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nói đến bảo vệ quyền và lợi ích liên quan đến các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả, quyền liên quan đến bản quyền, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn khái quát về chủ đề bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ.
1. Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Tùy vào từng đối tượng bảo hộ mà có những điều kiện bảo hộ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Quyền tác giả: Được bảo hộ khi tác phẩm có tính nguyên gốc và định hình dưới một hình thức nhất định;
- Quyền liên quan đến bản quyền: Được bảo hộ khi không gây ra những phương hại đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ; nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng; bí mật kinh doanh được bảo hộ trên cơ sở sử dụng và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh; chống cạnh tranh không lành mạnh được bảo hộ trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh;
- Quyền đối với giống cây trồng: Được bảo hộ dựa trên việc cấp văn bằng bảo hộ.
2. Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Quy trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ diễn ra như sau:
Bước 1: Xác định chính xác đối tượng muốn đăng ký bảo hộ
Việc xác định và phân loại chính xác đối tượng muốn bảo hộ là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp quá trình đăng ký được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bước 2: Xác định cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết
Tương ứng với ba đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ do ba cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết. Cụ thể như sau:
- Quyền sở hữu công nghiệp: Nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Quyền tác giả, quyền liên quan: Nộp tại Cục Bản quyền Tác Giả;
- Quyền đối với giống cây trồng: Nộp tại Cục Trồng Trọt;
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ
Tương ứng với từng đối tượng bảo hộ mà sẽ cần chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký khác nhau. Do đó, cần xác định đúng đối tượng bạn muốn đăng ký để chuẩn bị đầy đủ giấy tờ.
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký
Sau khi soạn thảo đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ liên quan, chủ đơn nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng với từng đối tượng đăng ký như trên.
Bước 5: Theo dõi quá trình xử lý hồ sơ và nhận kết quả
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành thẩm định. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đáp ứng điều kiện bảo hộ thì sẽ được cấp văn bằng bảo hộ. Ngược lại, khi hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ hoặc không đáp ứng điều kiện bảo hộ sẽ bị từ chối và có văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.
3. Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bạn có thể tự áp dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của bản thân hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Cụ thể như sau:
Cách 1: Tự áp dụng các biện pháp bảo vệ, như: yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; nộp đơn khởi kiện,…
Cách 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo hộ. Tùy theo mức độ cũng như theo yêu cầu của chủ sở hữu mà cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự để xử lý chủ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.