Quy định phí đăng ký mã số mã vạch hiện nay
Mục lục
Đăng ký mã số mã vạch là thủ tục doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp tại Tổng cục đo lường chất lượng. Sau khi được Tổng cục đo lường chất lượng chấp nhận mã số mã vạch thì bạn có thể sử dụng mã số mã vạch để in lên các sản phẩm của mình. Vậy phí đăng ký mã số mã vạch hiện nay là bao nhiêu? Câu trả lời sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.
1. Đăng ký mã vạch là gì?
Đăng ký mã số mã vạch là thủ tục hành chính, khi đó bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch và nộp tại Tổng cục đo lường chất lượng. Sau khi đã được Tổng cục đo lường chất lượng chấp nhận thì bạn có thể sử dụng mã số mã vạch để in lên các sản phẩm của mình. Mã số mã vạch trên sản phẩm sẽ có thông tin đầy đủ của công ty khi quét mã, giúp hỗ trợ quản lý sản xuất, lưu kho hàng, bán hàng hoá,…
Đối tượng nộp phí đăng ký mã số mã vạch gồm có tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký sử dụng, duy trì sử dụng mã số mã vạch hoặc nộp hồ sơ đề nghị xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
2. Phí đăng ký mã số mã vạch là bao nhiêu?
Tại Điều 4 Thông tư 232/2016/TT-BTC quy định phí đăng ký mã số mã vạch như sau:
Thứ nhất, mức phí cấp và hướng dẫn sử dụng:
- Mã công ty GS1 (không phân biệt mã số đăng ký sử dụng), mức phí là 1.000.000 (đồng/mã);
- Mã địa điểm toàn cầu (GLN), mức phí là 300.000 (đồng/mã);
- Mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8), mức phí là 300.000 (đồng/mã).
Thứ hai, mức thu phí xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài:
- Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm: Mức phí 500.000 đồng/hồ sơ;
- Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm: Mức phí 10.000 đồng/mã.
Thứ ba, mức phí duy trì sử dụng hàng năm (niên phí):
Khi sử dụng mã doanh nghiệp GS1, tùy trường hợp sẽ có mức thu phí khác nhau:
- Mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100 số vật phẩm), mức phí là 500.000 (đồng/năm);
- Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 1.000 số vật phẩm): 800.000 (đồng/năm);
- Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 10.000 số vật phẩm): 1.500.000 (đồng/năm);
- Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100.000 số vật phẩm): 2.000.000 (đồng/năm).
Khi sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN), mức phí là 200.000 (đồng/năm).
Khi sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8), mức phí là 200.000 (đồng/năm).
Lưu ý 1: Tổ chức, cá nhân được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch sau ngày 30 tháng 6 nộp 50% mức phí duy trì tương ứng với từng loại mã số mã vạch như trên.
Lưu ý 2: Khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch cho năm đầu tiên (năm được cấp mã số mã vạch); những năm tiếp theo, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 30/06 hàng năm.
3. Việc kê khai, nộp phí đăng ký mã số mã vạch như thế nào?
Khi nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch, bạn có trách nhiệm nộp phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch. Và khi nộp hồ sơ xin xác nhận sử dụng mã nước ngoài, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã nước ngoài như trên. Bạn có thể nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho tổ chức thu phí (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao nhiệm vụ liên quan đến cấp mã số mã vạch và thu phí). Đối với trường hợp chuyển khoản, doanh nghiệp cần ghi rõ tên công ty, loại phí nộp và đặc biệt cần ghi thêm mã số thuế công ty.