Phân tích hàng thừa kế thứ nhất
Mục lục
Thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba; điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Không giống với việc chia thừa kế theo di chúc, phân chia di sản thừa kế theo pháp luật không thực hiện theo ý chí của người để lại di sản. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn các vấn đề liên quan.
1. Khi nào việc thừa kế được xác định theo hàng thừa kế?
Việc xác định hàng thừa kế chỉ diễn ra khi thừa kế được tiến hành theo pháp luật, cụ thể trong các trường hợp sau:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người được nhận thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm hưởng thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người được hưởng thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Bên cạnh đó, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản chưa được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản liên quan đến người được nhận thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2. Hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai?
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Mối quan hệ thừa kế giữa những người hàng thừa kế thứ nhất như sau:
Mối quan hệ thừa kế giữa vợ, chồng với nhau
Khi một trong hai vợ chồng mất thì người còn lại sẽ được hưởng di sản thừa kế. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì quan hệ vợ, chồng là một trong những quan hệ gần gũi và thân thiết nhất của nam, nữ. Bên cạnh đó, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng quy định khi vợ hoặc chồng chết thì người còn sống sẽ được quản lý tài sản chung của chồng hoặc vợ, trừ trường hợp di chúc hoặc những người thừa kế có quy định khác.
Mối quan hệ thừa kế giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ
Con đẻ được hưởng di sản thừa kế của cha đẻ, mẹ đẻ và ngược lại. Ngoài quan hệ vợ, chồng thì quan hệ ruột thịt giữa cha, mẹ đẻ với con đẻ cũng là một trong những mối quan hệ gần gũi nhất của một người. Do đó, cha, mẹ đẻ, con đẻ cũng là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết.
Mối quan hệ thừa kế giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi
Kể từ ngày hoàn thành thủ tục nhận con nuôi, cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái. Do đó, nếu việc nhận con nuôi là hợp pháp thì cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi cũng có quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ tương đương với cha đẻ, mẹ đẻ, con nuôi. Chính vì vậy, việc thừa kế giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi là hoàn toàn hợp lý.
3. Hàng thừa kế thứ hai, thứ ba gồm những ai?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, hàng thừa kế thứ hai, thứ ba gồm những chủ thể sau:
- Hàng thừa kế thứ hai: Gồm ông, bà nội; ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông, bà nội; ông, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba: Gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác, chú, cậu, cô, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, dù là hàng thừa kế nào thì pháp luật đều quy định việc xác định người thừa kế theo hàng thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.