Vi phạm bản quyền sách trên internet
Thị trường sách in những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, không chỉ bởi phải cạnh tranh với sách in lậu mà còn vì xuất hiện thêm một đối thủ mới – những cuốn sách điện tử vi phạm bản quyền sách tràn lan trên mạng. Môi trường internet đã khiến việc làm sách điện tử lậu đơn giản hơn trong khi vấn đề nhận thức về bản quyền sách trên mạng vẫn rất hời hợt.
Mặc dù việc xử phạt đã được quy định và thực thi nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền sách vẫn đang diễn ra tràn lan, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhờ có internet, các nhà xuất bản dễ dàng giới thiệu sách mới đến tay độc giả bằng hình thức sách điện tử (e-book) hoặc sách nói (audiobook). Bên cạnh mặt tích cực, internet cũng là phương thức được các cá nhân, tổ chức xâm phạm bản quyền bất hợp pháp sử dụng nhằm mục đích trục lợi thương mại. Hàng loạt sách mới, best sellers do các nhà xuất bản trong nước nắm giữ bản quyền được bày bán, phát tán công khai trên các trang điện tử. Những trang này đã tạo ra các dạng sách nói chia sẻ trên cộng đồng mạng nhằm thu phí hoặc tính lượt truy cập để phục vụ mục đích kinh doanh quảng cáo.
Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ thông tin, số lượng đầu sách bị xâm phạm bản quyền rất nhiều, xuất hiện trên hàng loạt các trang như: 123.org; tailieu.vn; 4slibrary.blogspot.com; sachnoionline.net… Đơn cử như cuốn “68 ngộ nhận và giác ngộ nuôi con sữa mẹ”, chỉ cần tìm trên google tựa sách sẽ hiện ra hơn 5 đường dẫn để đọc tải trọn vẹn nội dung hay như cuốn “Bên kia đường có đứa dở hơi”; danh sách các trang web vi phạm bản quyền dài gần 1 trang giấy A4…
Việt Nam hiện có 5 nhà cung cấp ebook bản quyền đang phải cạnh tranh với hàng ngàn website cung cấp ebook không bản quyền. Kết quả tìm kiếm với từ khóa “tải ebook miễn phí” trên google cho ra hơn 2,5 triệu kết quả còn với từ khóa “mua ebook có bản quyền” chỉ với 10 kết quả.
Việc số lượng địa chỉ cung cấp ebook vi phạm bản quyền tràn ngập trên internet khiến các nhà phát hành ebook chân chính rất khó cạnh tranh. Theo các nhà xuất bản, hiện nay, Luật quy định rất rõ hình thức xử phạt cụ thể trong hoạt động xuất bản giấy và phát hành ebook tại Việt Nam. Nhưng vấn đề là khả năng thực thi, hậu kiểm vẫn chưa đủ lực và chất.
Giải pháp để hạn chế việc xâm phạm bản quyền trên internet tốt nhất hiện nay là thuê công ty luật làm đại diện pháp lý để thực hiện các quy trình tố tụng, làm việc với những doanh nghiệp. Đây là cách giải quyết phần ngọn và chi phí phù hợp và đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ.
Nếu có thể, các nhà xuất bản, tác giả, hội xuất bản cùng nhau thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách để bảo vệ quyền tác giả. Trung tâm này sẽ thay mặt các nhà xuất bản thực hiện quá trình bảo vệ bản quyền, thủ tục khiếu nại đối với đơn vị nước ngoài. Đồng thời, đại diện các nhà xuất bản nghiên cứu, tập hợp xu hướng xuất bản sách để có những chiến lược, chính sách kinh doanh phù hợp với thực tế.