Nhượng quyền thương mại là gì?
Mục lục
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, bên cạnh sự cạnh tranh của các doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường thì cũng có những hoạt động khác như mô hình nhượng quyền thương mại được diễn ra phổ biến vì tính chất có lợi đem lại cho cả đôi bên. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ nhượng quyền thương mại là gì và các vấn đề liên quan.
Nhượng quyền thương mại được hiểu là gì?
Nhượng quyền thương mại là gì? Về bản chất, nhượng quyền thương mại được hiểu là một hoạt động thương mại được xây dựng bởi ít nhất hai bên, bên nhượng quyền thương mại và bên nhận quyền thương mại, trong đó:
- Bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng một “gói” các quyền thương mại của mình để tiến hành kinh doanh. Ngoài ra, bên nhượng quyền có thể ràng buộc bên nhận quyền bởi các thỏa thuận nhằm duy trì tính hệ thống hoặc để kiểm soát hoạt động của bên nhận quyền trên cơ sở hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực cũng như một số cơ sở vật chất cần thiết;
- Bên nhận quyền sẽ phải trả phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền, phí này có thể bao gồm phí nhượng quyền ban đầu và phí nhượng quyền trả định kỳ dựa vào nguồn doanh thu hàng tháng, hàng năm của bên nhận quyền.
Nhượng quyền thương mại được xác định với những đặc trưng cơ bản sau đây:
- Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, tính chất độc lập của các bên được thể hiện rõ nét. Mặc dù, có sự hỗ trợ và kiểm soát qua lại nhưng tư cách pháp lý và trách nhiệm tài chính luôn độc lập với nhau;
- Có sự thống nhất, đồng bộ về cách thức hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền và bên nhận quyền;
- Là sự kết hợp của nhiều hoạt động thương mại khác nhau như chuyển giao công nghệ, li-xăng; đại lý …;
- Bên nhượng quyền phải có một hệ thống, cơ sở kinh doanh có lợi thế trên thị trường. Hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền phải có sự trải nghiệm thị trường đủ để tạo ra giá trị “quyền thương mại” hợp lý và tạo niềm tin cho bên nhận quyền. Mặt khác, bên nhận quyền là một doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý, tài chính và đầu tư, đồng thời chấp nhận rủi ro đối với vốn bỏ ra để tham gia vào hệ thống nhượng quyền;
- Đối tượng nhượng quyền chính là quyền thương mại, như bí quyết kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, công nghệ sản xuất nhất định,…
Lợi ích của mô hình nhượng quyền thương mại là gì?
Mô hình nhượng quyền thương mại được sử dụng phổ biến và được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong kinh doanh vì đem đến nhiều lợi ích tích cực. Cụ thể như sau:
Đối với bên nhượng quyền:
- Xây dựng chuỗi cửa hàng, hệ thống kinh doanh với chi phí tiết kiệm;
- Mô hình hoạt động kinh doanh được mở rộng với khả năng tiêu thụ cao từ đó nâng cao được giá trị thương hiệu.
Đối với bên nhận quyền:
- Không phải tạo dựng thương hiệu từ đầu mà được phép sử dụng một thương hiệu đã được định hình và có tên tuổi từ trước;
- Có thể sử dụng sản phẩm, hình ảnh, được truyền thụ kinh nghiệm và bí quyết kinh doanh từ bên nhượng quyền;
- Giúp giảm thiểu rủi ro của quá trình khởi nghiệp;
- Hưởng lợi từ hiệu ứng chuỗi hệ thống;
- Tăng khả năng thu được nguồn doanh thu lớn chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí đủ để bù vào chi phí nhượng quyền.
Điều kiện để được thực hiện nhượng quyền thương mại là gì?
Để được nhượng quyền thương mại thì cần thỏa mãn những điều kiện như sau:
Thứ nhất, về bên nhượng quyền
- Hệ thống kinh doanh việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dự định thực hiện nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm;
- Nếu Bên nhận quyền sơ cấp (thương nhân nước Việt Nam) từ Bên nhượng quyền của nước ngoài: Phải thực hiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại tối thiểu 01 năm ở Việt Nam trước khi chuyển nhượng lại cho chủ thể khác;
- Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền;
- Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không danh mục bị cấm kinh doanh.
Thứ hai, về bên nhận quyền
- Bên nhận quyền thương mại phải là thương nhân;
- Có đăng ký kinh doanh lĩnh vực phù hợp với đối tượng quyền thương mại.