Đăng ký bản quyền có phải là thủ tục bắt buộc không?
Mục lục
Đăng ký bản quyền là thủ tục pháp lý ngày càng được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, thực hiện. Thông qua thủ tục này, pháp luật sẽ ghi nhận quyền tác giả đối với những tác phẩm hợp lệ và cấp cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm. Từ đó, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ có căn cứ pháp lý rõ ràng, yên tâm khai thác, sử dụng các giá trị của tác phẩm; đồng thời không cần e ngại đến các hành vi xâm phạm bản quyền.
Không bắt buộc phải đăng ký bản quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định cơ chế phát sinh đối với loại quyền này tại khoản 1 Điều 6:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Như vậy, quyền tác giả được tự động phát sinh mà không cần thông qua thủ tục đăng ký bản quyền. Với cơ chế này, quy định của pháp luật cũng không hề bắt buộc mà chỉ khuyến khích các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thực hiện đăng ký tác phẩm với cơ quan nhà nước có bản quyền.
Mọi loại hình tác phẩm đều thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả?
Hiện tại, pháp luật công nhận hầu hết các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Đồng thời, tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng liệt kệ chi tiết các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tin tức thời sự thuần túy đưa tin
- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó
- Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền
Mặc dù không phải là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên đăng ký bảo hộ quyền tác giả là một trong những thủ tục vô cùng quan trọng. Thông qua thủ tục này, bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm; đây là tài liệu pháp lý quan trọng, là minh chứng rõ nét nhất về quyền sở hữu của bạn đối với tác phẩm của mình. Bạn có thể thực hiện thủ tục này thông qua 03 bước cơ bản:
Bước 1: Kiểm tra tác phẩm
Để được bảo hộ, tác phẩm của bạn phải đảm bảo được tạo ra từ tác giả trực tiếp sáng tạo, không sao chép hay trùng lặp với bất kỳ tác phẩm nào khác đã được công bố. Vì vậy, trước khi thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền, bạn có thể kiểm tra sơ bộ trên thư viện công khai của Cục Bản quyền về các tác phẩm đã được công bố, bảo hộ để tránh trùng lặp tác phẩm.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm
Bạn có thể chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm theo hướng dẫn chung tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[18] quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền và nhận kết quả
Bạn có thể nộp hồ sơ đến Cục Bản quyền tác giả có trụ sở ở Hà Nội hoặc hai văn phòng đại diện của Cục tại Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trong thời gian 15 ngày làm việc, Cục Bản quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, phía Cục Bản quyền phải gửi thông báo bằng văn bản về lý do từ chối cấp.