Những vấn đề về đăng ký bản quyền phần mềm
Mục lục
Đăng ký bản quyền phần mềm không phải là thủ tục bắt buộc các chủ thể sở hữu phải thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nếu tiến hành công việc này, người có nhu cầu sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó là nhận được sự bảo hộ của Nhà nước. Vì vậy, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin về các vấn đề đăng ký bản quyền.
1. Tại sao cần phải đăng ký bản quyền phần mềm?
Đăng ký bản quyền đem lại nhiều lợi ích cho chủ sở hữu, tiêu biểu phải kể đến những khía cạnh sau:
- Được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Đối với những trường hợp xâm phạm, chủ sở hữu hoàn toàn có thể yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Ngăn chặn những hành vi sao chép, xâm phạm quyền với phần mềm để trục lợi bất hợp pháp.
- Khẳng định mức độ uy tín cho khách hàng khi thực hiện giao dịch mua, bán, trao đổi.
2. Những vấn đề về đăng ký bản quyền cho phần mềm
Đăng ký bản quyền không phải là thủ tục bắt buộc thế nhưng cũng tương đối phức tạp khi các chủ thể tiến hành. Do đó, phần nội dung này chúng tôi sẽ cung cấp các kiến thức cần thiết để quá trình đăng ký được thuận lợi hơn.
Ai có quyền đăng ký bản quyền
Căn cứ theo Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ, người trực tiếp sáng tạo ra phần mềm, chủ sở hữu phần mềm có quyền đăng ký phần mềm, bao gồm những đối tượng sau:
- Cá nhân, tổ chức là người Việt Nam.
- Cá nhân, tổ chức là người nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký bản quyền bao gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.
- Giấy uỷ quyền trong trường hợp người nộp đơn là người được uỷ quyền.
- Tài liệu minh chứng quyền nộp đơn, trong trường hợp người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa.
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (Nếu bản quyền đó có đồng tác giả).
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (Nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Tuy nhiên, cần lưu ý, tờ khai phải được làm bằng Tiếng Việt do chính chủ sở hữu hoặc người được uỷ quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Ngoài ra, bản tờ khai cần tóm tắt nội dung tác phẩm bản quyền phần mềm, thời gian, địa điểm, hình thức công bố,… Ngoài ra phải cam đoan về trách nhiệm đối với thông tin ghi trong đơn.
Nộp đơn đăng ký bản quyền đối với phần mềm ở đâu?
Căn cứ theo Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ – CP, chủ sở hữu sẽ nộp đơn đăng ký bản quyền như sau:
“Điều 34. Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng)”.
3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền bao lâu?
Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đơn hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Đối với trường hợp từ chối cấp, Cơ quan quản lý Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau đến từ chủ quan hoặc khách quan mà thời hạn cấp Giấy chứng nhận trên thực tế có thể bị kéo dài. Thời gian sẽ trong khoảng từ 30 – 45 ngày làm việc.
4. Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền đối với phần mềm
Theo quy định tại Điều 53 Luật Sở hữu trí tuệ, hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan là:
“Điều 53. Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
1. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan do cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục được duy trì hiệu lực.”