Tại sao nên đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm?
Mục lục
Bảo hộ bản quyền có lẽ không phải là thuật ngữ quá xa lạ trong các hoạt động đời sống, kinh doanh hàng ngày. Thực tế quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành không xếp thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả là loại thủ tục bắt buộc, vậy tại sao bạn vẫn cần thực hiện thủ tục này đối với tác phẩm do mình sáng tác, sở hữu? Cùng tìm kiếm câu trả lời ngay trong nội dung bài viết dưới đây của Phan Law Vietnam.
Bảo hộ bản quyền tác phẩm là gì?
Bảo hộ bản quyền hay chính xác là bảo vệ quyền tác giả của chủ sở hữu, tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm trong quá trình công bố, sử dụng, khai thác tác phẩm. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, những quyền này gắn liền với người sáng tạo ra tác phẩm, cũng như chủ thể sở hữu tác phẩm hợp pháp.
Căn cứ phát sinh bảo hộ đối với quyền tác giả của tác phẩm được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Bảo hộ bản quyền mang lại lợi ích như thế nào?
Ngoài việc khẳng định sở hữu của mình đối với tác phẩm, các hoạt động pháp lý bảo hộ bản quyền còn giúp chủ sở hữu:
Thứ nhất, khai thác độc quyền về quyền tác giả của tác phẩm
Sau khi xác lập bảo hộ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ được độc quyền sử dụng các quyền nhân thân, quyền tài sản đối với tác phẩm của mình. Các tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng tác phẩm cần phải thông qua sự đồng ý của chủ sở hữu, cũng như bỏ ra các chi phí sử dụng theo thỏa thuận các bên.
Thứ hai, gia tăng giá trị thương mại đối với tác phẩm bạn sở hữu
Mỗi tác phẩm có bản quyền không chỉ nâng cao giá trị của tác phẩm về mặt tinh thần, khẳng định sự sáng tạo của tác giả mà còn giúp chủ sở hữu tác phẩm gia tăng giá trị thương mại, kinh tế khi khai thác tác phẩm. Bản quyền tác phẩm trở thành loại tài sản đặc biệt có thể dùng để thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại.
Thứ ba, áp dụng các biện pháp pháp lý bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm
Khi phát hiện các hành vi xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm mà mình đang sở hữu, bạn có quyền thực hiện các biện pháp pháp lý mà pháp luật quy định hướng dẫn để bảo vệ tác phẩm của mình. Yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, đồng thời thực hiện các biện pháp bổ sung, bồi thường để khắc phục hậu quả gây ra bởi hành vi vi phạm.
Một số biện pháp hỗ trợ bảo hộ bản quyền tác phẩm.
Đối với quyền tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác nhau để bảo hộ tuyệt đối tác phẩm của mình trước những hành vi xâm hại như:
- Biện pháp hành chính
- Biện pháp dân sự
- Biện pháp hình sự
Trong các trường hợp cụ thể, chủ sở hữu quyền tác giả có thể tự thực hiện những biện pháp bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của mình theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”