Những lợi ích khi đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Mục lục
Nhãn hiệu là công cụ tiếp thị không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hoạt động thương mại hiện nay của các doanh nghiệp. Không chỉ tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc khẳng định uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Vì vậy, cần bảo đảm rằng, một nhãn hiệu khi đưa ra thị trường phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để có thể đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu một cách hữu hiệu, tránh được các rủi ro và phát triển tốt nhất trong tương lai.
1. Những lợi ích của việc đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Những lợi ích khi đăng ký sử dụng sở hữu trí tuệ nhãn hiệu có thể kể đến, như:
- Độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên mọi hình thức: Khi đăng ký bảo hộ thành công, bạn sẽ được pháp luật bảo vệ toàn diện. Theo đó, không có bất kỳ chủ thể nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tương tự như bạn trong cùng lĩnh vực;
- Tránh các hành vi xâm phạm: Khi được cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu của bạn sẽ được pháp luật bảo hộ. Do đó, nếu như có hành vi xâm phạm sẽ bị xử lý theo mức độ vi phạm. Điều này hạn chế tình trạng sử dụng logo, nhãn hiệu tương đương trong cùng lĩnh vực,…
- Nâng tầm giá trị sản phẩm/dịch vụ: Đa số mọi người sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm/dịch vụ đã đăng ký hơn. Bởi lẽ sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái hơn. Đồng thời, việc đăng ký cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà cung cấp.
2. Quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Các bước đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu được ra như sau:
Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu
Tra cứu giúp đánh giá nhãn hiệu dự định đăng ký có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký tại Việt Nam cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ hay không? Bạn có thể vào trang web sở hữu công nghiệp của Cục sở hữu trí tuệ để tìm kiếm thông tin các đơn yêu cầu bảo hộ đã công bố, đã được cấp văn bằng, đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc gửi mẫu cho những đơn vị dịch vụ pháp lý thực hiện quá trình tra cứu.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Cần chuẩn bị và soạn thảo những giấy tờ như sau:
- Tờ khai bảo hộ nhãn hiệu;
- Mẫu nhãn hiệu đăng ký độc quyền;
- Danh mục dịch vụ, hàng hóa mang nhãn hiệu;
- Giấy ủy quyền;
- Giấy tờ chứng minh quyền đăng ký;
- Giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên;
- Bản sao giấy nộp phí, lệ phí đã thanh toán qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Nộp hồ sơ, theo dõi quá trình và nhận kết quả
Nộp bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ đến Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi tiếp nhận, hồ sơ sẽ được tiến hành:
- Thẩm định hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Kiểm tra việc tuân thủ về hình thức đối với đơn đăng ký, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không? Khi đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
- Công bố đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Khi đơn hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp;
- Thẩm định nội dung đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Đánh giá nhãn hiệu nêu trong đơn có đáp ứng các điều kiện bảo hộ không? Qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng;
- Ra quyết định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Nếu nhãn hiệu nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Ngược lại, nếu đáp ứng yêu cầu bảo hộ và đã nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
3. Những lưu ý khi đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu
Đây là thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, do vậy chủ đơn đăng ký cần nắm rõ các quy định liên quan để tránh việc không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ dẫn đến không được xác lập quyền trên thực tế. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý hai vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tiến hành tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký
Tra cứu nhãn hiệu không bắt buộc thực hiện nhưng đây là bước đầu tiên cần thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả của việc xử lý đơn đăng ký. Chủ đơn đăng ký nên tra cứu trước để xác định khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.
Thứ hai, cần phân loại nhóm sản phẩm, dịch vụ chính xác
Phân loại nhóm sản phẩm, dịch vụ đi kèm nhãn hiệu chính xác để làm căn cứ xác lập phạm vi bảo hộ nhãn hiệu khi kinh doanh trên thị trường.