Tổng quan luật sở hữu trí tuệ năm 2022
Mục lục
Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XI trong kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2006. Hiện nay, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019. Được ban hành nhằm công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể có quyền với lợi ích của cộng đồng; thúc đẩy hoạt động sáng tạo.
Đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ là gì?
Đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành gồm:
Thứ nhất, quyền tác giả
Quyền tác giả gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Thứ hai, quyền liên quan
Quyền liên quan được biết tới là quyền liên quan đến quyền tác giả đối với ghi hình, chương trình phát sóng, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa.
Thứ ba, quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với:
- Sáng chế: Là giải pháp kỹ thuật thể hiện bằng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề;
- Kiểu dáng công nghiệp: Là hình dáng bên ngoài, thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình khối hoặc sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, hình khối;
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: Gồm cấu trúc các phần tử mạch tích hợp bán dẫn và mối liên kết giữa các phần tử mạch tích hợp bán dẫn;
- Nhãn hiệu: Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau;
- Tên thương mại: Là tên gọi chủ thể thực hiện kinh doanh nhằm phân biệt chủ thể mang tên gọi đó với chủ thể khác trong cùng lĩnh vực, khu vực thực hiện kinh doanh;
- Chỉ dẫn địa lý: Dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể;
- Bí mật kinh doanh: Là thông tin có được từ hoạt động đầu tư mà chưa được bộc lộ ra bên ngoài và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Thứ tư, quyền đối với giống cây trồng
Quyền đối với giống cây trồng có đối tượng bảo hộ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Phạm vi chịu sự điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ hiện hành?
Theo quy định tại Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 thì phạm vi điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ gồm các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.
Ví dụ: Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với từng đối tượng (tham khảo Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019); điều kiện để được bảo hộ, thủ tục các bước đăng ký bảo hộ; thời hạn bảo hộ;….
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định những nội dung gì?
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định những nội dung sau đây:
Thứ nhất, quy định chung
Trong mục quy định những nội dung như:
- Phạm vi và đối tượng điều chỉnh;
- Căn cứ phát sinh, xác lập quyền;
- Quyền và trách nhiệm của các tổ chức/cá nhân trong việc thực hiện và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ;
- Chính sách, nội dung và trách nhiệm quản lý của nhà nước.
Thứ hai, quyền tác giả và quyền liên quan
Trong mục quy định về những nội dung như:
- Quy định về điều kiện để được bảo hộ độc quyền quyền tác giả, quyền liên quan;
- Quy định về các nội dung, các giới hạn quyền và thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;
- Quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan;
- Quy định về chuyển giao quyền;
- Quy định về văn bằng bảo hộ;
- Quy định về tư vấn, dịch vụ, tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan,…
Thứ ba, quyền sở hữu công nghiệp
Trong mục quy định về chủ yếu những nội dung như:
- Quy định điều kiện bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp;
- Quy định về chủ sở hữu, nội dung và giới hạn quyền;
- Quy định về chuyển giao quyền,…
Thứ tư, quyền đối với giống cây trồng
Trong mục quy định những nội dung như:
- Quy định điều kiện bảo hộ, xác lập quyền;
- Quy định nội dung và giới hạn quyền;
- Quy định về chuyển giao quyền đối với giống cây trồng như quyền của các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền,…