Những loại thuế cho doanh nghiệp mới thành lập cần đóng
Mục lục
Sau khi thành lập, công ty sẽ được cấp mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế. Tùy theo ngành nghề hoạt động kinh doanh, các khoản thuế doanh nghiệp phải nộp hàng năm khác nhau. Nhưng dù thuộc loại hình nào thì đều có 03 loại thuế cho doanh nghiệp mới thành lập phải nộp bao gồm: thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT). Bài viết dưới đây, Phan Law Vietnam sẽ tư vấn chi tiết chủ đề này.
1. Tìm hiểu thuế môn bài đối với công ty mới thành lập
Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Có mức vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
- Có mức vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp và những tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
*Lưu ý: Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức có vốn điều lệ căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Căn cứ điểm a, Khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp mới thành lập thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập doanh nghiệp hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu trong năm có thay đổi về vốn thì nộp hồ sơ khai phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
Khi đã biết thời gian nộp thuế môn bài, bạn cần tranh thủ thời gian đi nộp tiền, tránh nộp trễ vì khi đó sẽ phát sinh phạt. Bạn có thể đóng thuế môn bài theo hai cách sau:
- Nộp tiền mặt vào Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcom, Agri,…
- Nộp thuế điện tử thông qua chữ ký số để trích từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.
Hiện nay, rất nhiều cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế môn bài điện tử thông qua chữ ký số. Vì thế việc mở tài khoản ngân hàng và mua chữ ký số là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp.
2. Tìm hiểu thuế thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp mới thành lập
Hiện nay, đối với doanh nghiệp có 02 phương pháp tính thuế, đó là phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phương pháp trực tiếp
Phương pháp trực tiếp áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Việc xác định số thuế VAT phải nộp bằng phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân với mức thuế suất.
Thứ hai, phương pháp khấu trừ
Công ty mới thành lập sẽ áp dụng phương pháp khấu trừ nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây và đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ:
- Công ty đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn;
- Công ty thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
- Công ty thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
Doanh nghiệp mới thành lập được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý trong 12 tháng đầu mới ra hoạt động kinh doanh, cụ thể phải nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
3. Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp tạm nộp thuế theo quý (hạn chót là vào ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) và không cần nộp tờ khai thuế tạm tính theo quý. Số thuế đã tạm nộp sẽ được trừ với số thuế phải nộp theo quyết toán thuế năm.
Doanh nghiệp khai quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính, trừ trường hợp sau:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài sẽ được kê khai theo từng lần phát sinh;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên áp dụng phương pháp tính thuế TNDN tỷ lệ trên doanh thu thì sẽ được kê khai kê khai theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng (nếu trong tháng phát sinh nhiều lần).