Đăng ký kinh doanh online được thực hiện như thế nào?
Mục lục
Đăng ký kinh doanh online là hình thức phổ biến khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn hình thức này bởi ưu điểm mà nó đem lại như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, dễ dàng thực hiện,…. Vậy trình tự, thủ tục sẽ được thực hiện như thế nào?
Thực hiện đăng ký kinh doanh online theo quy định pháp luật
Theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử được thực hiện như sau:
“Điều 42. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử
1. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử”.
Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 cách thức bao gồm đăng ký bằng tài khoản đăng ký kinh doanh và bằng chữ ký số. Cụ thể như sau:
- Đối với doanh nghiệp đăng ký bằng tài khoản đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử. Tài khoản đăng ký sẽ được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia. Mỗi cá nhân đăng ký chỉ được cấp một tài khoản và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác về thông tin đã kê khai.
- Đăng ký bằng chữ ký số. Với cách thức này, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ là các văn bản điện tử qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh online
Các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử sẽ được thực hiện khác nhau. Cụ thể được quy định tại Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Công ty hợp danh
Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng Internet của công ty hợp danh cần:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao các giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, của người đại diện theo ủy quyền như CCCD, CMND và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần
Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng Internet của công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần cần:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên hoặc danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao các giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông tổ chức đầu tư nước ngoài và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng Internet của công ty TNHH một thành viên gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Bản sao các giấy tờ pháp lý của người đại diện pháp luật doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty, văn bản uỷ quyền đối với người đại diện uỷ quyền. Ngoài ra còn có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng Internet của doanh nghiệp tư nhân cần:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng
Theo Điều 44, 45 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục đăng ký kinh doanh online được thực hiện như sau:
Bước 1: Đăng nhập tài khoản trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bước 2: Kê khai thông tin và tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ và nộp lệ phí theo quy định.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Sau đó, sẽ phát giấy biên nhận hồ sơ cho người đăng ký. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết.
Sau khi được tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, doanh nghiệp sẽ đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là thủ tục bắt buộc vì hiện nay chưa có thông tin quy định về việc nhận giấy chứng nhận bằng hình thức online.