Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Mục lục
Hiện nay, nhiều người khi có vốn và năng lực thường sẽ muốn đầu tư thành lập doanh nghiệp. Không chỉ những người làm tại đơn vị tư mà những người làm việc tại đơn vị công đều có nhu cầu mở công ty. Liệu rằng viên chức có được thành lập doanh nghiệp không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để trả lời cho câu hỏi này.
Viên chức được hiểu như thế nào?
Viên chức là người Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm và làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng tiền lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Viên chức có những đặc điểm sau đây:
- Là người Việt Nam thông qua quá trình tuyển dụng để vào làm tại các vị trí công việc cụ thể;
- Làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sự quản lý của Nhà nước;
- Thực hiện công việc theo chế độ hợp đồng;
- Tiền lương được trích ra chi trả từ quỹ lương của chính đơn vị sự nghiệp công lập họ đang công tác.
Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020, những chủ thể sau đây không được thành lập doanh nghiệp:
- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước sử dụng tài sản của nhà nước để mở công ty thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước;
- Người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp hành chính tại cơ sở cai nghiện, giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm thực hiện hoạt động kinh doanh, cấm hoạt động.
Như vậy, viên chức thuộc đối tượng không được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hai lý do sau:
- Viên chức có thể là người quản lý hoặc trực tiếp làm công việc liên quan đến các ngành, nghề, lĩnh vực nhất định. Do đó, quy định không cho viên chức thành lập doanh nghiệp sẽ là biện pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra;
- Khi viên chức vừa là người quản lý, làm việc trực tiếp vừa là người kinh doanh sẽ dễ có tiêu cực, thậm chí có thể biến doanh nghiệp đó thành “sân sau” của viên chức để thu lợi bất chính.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp là gì?
Điều kiện thành lập doanh nghiệp là những yêu cầu mà pháp luật quy định phải đáp ứng để có thể thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp dưới một hình thức nào đó. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ thể thành lập
Mọi chủ thể đều được thành lập doanh nghiệp, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như cán bộ, công chức, viên chức; người chưa thành niên; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;…
Thứ hai, điều kiện ngành, nghề kinh doanh
Theo điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngành, nghề đăng ký hoạt động kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
Công ty chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với ngành nghề có điều kiện thì công ty phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, điều kiện về vốn thành lập doanh nghiệp
Vốn của công ty do chủ doanh nghiệp tự quyết định và đăng ký khi mở công ty. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề có điều kiện về mức vốn tối thiểu để thành lập công ty thì bắt buộc phải đáp ứng.
Thứ tư, tên công ty
Theo Luật doanh nghiệp năm 2020, tên công ty phải đáp ứng các điều kiện về cách đặt tên và không thuộc các trường hợp bị cấm như trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của công ty đã đăng ký; sử dụng từ ngữ vi phạm truyền thống lịch sử;…
Thứ năm, điều kiện về trụ sở chính
Trụ sở phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định gồm số nhà, tên đường, tên phường/xã/thị trấn, tên quận/huyện/thị xã/TP thuộc tỉnh hoặc TP trung ương/ tỉnh.