Luật sở hữu trí tuệ năm 2022
Mục lục
Luật sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Sự ra đời của Luật sở hữu trí tuệ là một bước tiến quan trọng trong quá trình lập pháp của Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ khái quát đối tượng, điều kiện bảo hộ; đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ và cách đăng ký đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ.
Đối tượng và điều kiện bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ là gì?
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Đối tượng và điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như sau:
- Đối tượng bảo hộ của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học: Được bảo hộ khi tác phẩm có tính nguyên gốc và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ thể hiện;
- Đối tượng bảo hộ của quyền liên quan gồm trình diễn; cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; chương trình phát sóng: Để được bảo hộ, các đối tượng của quyền liên quan không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được trình diễn, ghi âm, phát sóng; được định hình, phát sóng;
- Quyền sở hữu công nghiệp gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ); nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại (bảo hộ trên cơ sở sử dụng); bí mật kinh doanh (bảo hộ trên cơ sở sử dụng và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh); chống cạnh tranh không lành mạnh (bảo hộ trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh);
- Đối tượng bảo hộ giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch: Được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ.
Đặc điểm đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ là gì?
Đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ có những đặc điểm nổi trội như sau:
- Có quyền đối với tài sản vô hình;
- Về nguyên tắc sẽ được bảo hộ trong phạm vi một quốc gia. Khi tham gia Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ thì phạm vi bảo hộ sẽ được mở rộng ra những quốc gia là thành viên của Điều ước;
- Đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là tác giả, chủ sở hữu của tài sản trí tuệ như các tác phẩm, sáng chế,…
- Trong khoảng thời gian bảo hộ, bất kỳ chủ thể nào cũng không được có hành vi xâm phạm các đối tượng sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ. Hết thời hạn bảo hộ, đối tượng sở hữu trí tuệ sẽ trở thành tài sản chung, ai cũng có quyền sử dụng mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu;
- Mục đích bảo hộ là để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Đăng ký đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ diễn ra như nào?
Đối với từng đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ sẽ có thủ tục đăng ký khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Lựa chọn đối tượng bảo hộ
Đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ gồm:
- Quyền tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật, khoa học, văn học;
- Quyền liên quan đến bản quyền: Cuộc biểu diễn, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, chương trình phát sóng, bản ghi âm, ghi hình;
- Quyền sở hữu công nghiệp: gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh;
- Đối tượng bảo hộ giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Bước 2: Xác định nơi nộp hồ sơ
Tùy từng đối tượng bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ mà hồ sơ đăng ký sẽ được nộp ở những cơ quan khác nhau. Cụ thể như:
- Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả: Nộp tại Cục bản quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp: Nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Quyền liên quan đến giống cây trồng: Nộp tại Cục trồng trọt.
Bước 3: Soạn thảo hồ sơ
Tùy từng đối tượng mà sẽ yêu cầu bộ hồ sơ bảo hộ khác nhau.
Bước 4: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Sau khi Cục bản quyền tác giả hoặc Cục sở hữu trí tuệ hoặc Cục trồng trọt nhận được, sẽ kiểm tra hồ sơ để ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ chối cấp.