Khi nào biểu diễn không phải xin phép, không phải trả nhuận bút?
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, các hoạt động biểu diễn cũng có điều kiện diễn ra nhiều hơn. Tuy vậy, nhiều hành vi xâm phạm bản quyền đã xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng” là một trong nhóm quyền tài sản trong quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được pháp luật ghi nhận, bảo hộ. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Tuy vậy, có hai trường hợp tổ chức, cá nhân có thể biểu diễn mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút:
Trường hợp đầu tiên được quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ: Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.
Trường hợp này thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng quy định: Không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Theo Khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thuộc nhóm quyền tác giả, được pháp luật bảo hộ có thời hạn. Do đó khi hết thời hạn bảo hộ, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng (Điều 43 Luật Sở hữu trí tuệ). Tổ chức, cá nhân có thể biểu diễn mà không phải xin phép, không phải trả nhuận bút nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, đó là các quyền:
– Đặt tên cho tác phẩm;
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.