Hướng dẫn thủ tục làm tem chống hàng giả
Mục lục
Tem chống hàng giả là loại tem đặc biệt được thiết kế và sản xuất với mục đích giúp công ty, người tiêu dùng phân biệt sản phẩm thật và giả trên thị trường. Đây là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ thương hiệu, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và giảm thiểu thiệt hại do hàng giả gây ra. Vậy thủ tục làm tem chống hàng giả như thế nào?
1. Hành vi làm tem chống hàng giải bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP đối với các hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
1. Đối với hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng dưới 100 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tính tương đương (sau đây gọi tắt là đơn vị);
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 500 đơn vị;
c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 500 đơn vị đến dưới 1.000 đơn vị;
d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 1.000 đơn vị đến dưới 2.000 đơn vị;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 2.000 đơn vị đến dưới 3.000 đơn vị;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 3.000 đơn vị đến dưới 5.000 đơn vị;
g) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 5.000 đơn vị đến dưới 10.000 đơn vị;
h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Hành vi nhập khẩu tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả;
b) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, mũ bảo hiểm;
c) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, sắt thép xây dựng.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Như vậy, với hành vi làm giả tem chống hàng giả có thể bị xử phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 30.000.000 đồng, tùy theo số lượng tem giả và có thể phạt gấp đôi nếu đó là hành vi nhập khẩu; tem của thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, mũ bảo hiểm; tem của chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, sắt thép xây dựng.
Ngoài ra, nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội tội sản xuất, buôn bán hàng giả, với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Còn Pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Điều này cho thấy việc làm giả tem chống hàng giả là hành vi vi phạm nghiêm trọng và bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
2. Những mẫu tem chống hàng giả phổ biến hiện nay
Trên thị trường hiện tại phổ biến những mẫu tem chống hàng giả sau đây:


Thứ nhất, tem vỡ chống hàng giả
Tem được dán lên sản phẩm hoặc là ngoài bao bì để chống hàng giả dựa trên các tính năng không thể lột, gỡ, bóc, khi đã dán lên sản phẩm. Khi lột, gỡ thì chất liệu tem sẽ vỡ vụn không còn nguyên vẹn.
Thứ hai, tem chống hàng giả Hologram
Sử dụng chất liệu decal 07 màu, gồm lớp phủ và lớp decal hologram 7 màu. Tem rất dễ nhận biết khi được nhìn ở một góc nhìn khác nhau bởi vì khi đó tem sẽ thay đổi màu sắc lấp lánh. Với chất liệu decal 07 màu, tem sẽ được in bằng công nghệ in laser 03 chiều, để bắt chùm tia laser.
Thứ ba, tem chống hàng giả thoa nước
Được sản xuất bằng decal vỡ hoặc là decal giấy. Phần tử dùng để phân biệt hàng thật/hàng giả sẽ được mực in trên đó để giúp phân biệt. Ví dụ: Phần tử “hàng thật” được in ở một vị trí nào đó, chỉ cần thoa nước lên vị trí đó thì phần tử “hàng thật” được in sẽ xuất hiện.
Thứ tư, tem chống hàng giả phát quang
Được in bằng loại mực phát quang, bằng các chất liệu decal vỡ hay decal giấy. Khi chiếu đèn tia cực tím vào các phần từ này thì nó sẽ được phát sáng.
Thứ năm, tem chống hàng giả 3D
Được sản xuất theo công nghệ sản xuất tem Hologram nhưng sử dụng in công nghệ thông màu với các lớp khác nhau. Khi nhìn ở mỗi một góc độ thì nội dung sẽ hiển thị khác nhau tương ứng ở góc độ đó.
Thứ sáu, tem chống hàng giả bằng Mã Xác Thực Kỹ thuật số – Phủ Cào
Chất liệu sử dụng đa dạng, được in bằng công nghệ flexo, offset, digital… Điểm mấu chốt của loại tem là sử dụng Mã xác thực biến đổi, được in và phủ cào bảo mật cho mỗi tem.
2. Thủ tục làm tem chống hàng giả diễn ra như thế nào?
Trình tự làm tem chống hàng giả được diễn ra theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Thành phần hồ sơ sẽ gồm những giấy tờ sau đây:
- Bản sao có công chứng, chứng thực đăng ký kinh doanh của công ty;
- Hợp đồng in tem;
- Giấy đăng ký nhãn hiệu (nếu có);
- Các loại giấy tờ có liên quan nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa cần dán tem chống hàng giả;
- Bản sao công chứng, chứng thực giấy tờ tùy thân còn hiệu lực;
- Giấy ủy quyền cho người khác thực hiện hồ sơ (khi ủy quyền cho người khác thực hiện).


Bước 2: Nộp hồ sơ làm tem
Trước kia, Viện Khoa học Hình sự trực thuộc Bộ Công an sẽ trực tiếp ký hợp đồng và cung cấp tem cho công ty có dịch vụ cung cấp tem chống hàng giả, từ đó công ty cung cấp tem tới Khách hàng. Tuy nhiên, từ tháng 02/2017 Viện Khoa học Hình sự đã ngừng cung cấp dịch vụ này.
Hiện nay, việc in tem chống hàng giả được thực hiện bởi các tổ chức, công ty được cấp Giấy phép in tem chống hàng giả. Bạn nên lựa chọn những đơn vị uy tín để giao kết hợp đồng in tem.
Bước 3: Nhận tem
Sau khi thỏa thuận xong mẫu mã, giá in tem thì bên in tem sẽ giao hàng theo thời gian ấn định mà cả hai đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho quá trình làm tem chống hàng giả diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, bạn cần một đơn vị in tem chống hàng giả uy tín, chất lượng cao. Đơn vị áp dụng công nghệ in hiện đại, đảm bảo tem sắc nét, bền màu và không phai theo thời gian. Đồng thời, họ có hỗ trợ thiết kế tem chống giả độc quyền, phù hợp với thương hiệu của bạn. Bên cạnh đó, liệu đơn vị có cung cấp đa dạng các loại tem chống giả với nhiều chất liệu khác nhau để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Để làm được điều đó, bạn cần tham khảo nhiều đơn vị dịch vụ, tìm hiểu thông tin đơn vị cũng như bảng giá dịch vụ.