Hướng dẫn đăng ký bảo hộ phần mềm 2021
Mục lục
Cùng với việc phát triển công nghệ thông tin và các phần mềm máy tính hữu dụng thì việc vi phạm bản quyền phần mềm cũng diễn ra hết sức phổ biến. Do đó các chủ sở hữu cần có các biện pháp đối phó phù hợp để tránh các thiệt hại có thể xảy ra. Đăng ký bảo hộ phần mềm là một trong các cách mà chủ sở hữu cần xem xét và thực hiện sớm nhất có thể.
Tìm hiểu về đăng ký bảo hộ phần mềm
Đăng ký bản quyền cho phần mềm máy tính là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ tối đa quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu phần mềm. Bên cạnh đó cũng hạn chế được những tranh chấp phát sinh.
Đăng ký bảo hộ phần mềm là gì?
Theo quy định tại Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì đăng ký bảo hộ phần mềm là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm này là không bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này. Nhưng Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Lợi ích khi đăng ký bảo hộ phần mềm
Mặc dù không bắt buộc nhưng việc đăng ký để bảo hộ cho bản quyền vẫn được đánh giá là cần thiết vì những lợi ích sau:
– Phần mềm, chương trình máy tính là một đối tượng có giá trị thương mại rất lớn nhưng dễ bị sử dụng trái phép
-Căn cứ để xử lý các hành vi xâm phạm
– Được pháp luật công nhận chính thức về quyền đối với phần mềm
– Dễ dàng trong các hoạt động chuyển nhượng thương mại
Thủ tục đăng ký bảo hộ phần mềm
Thủ tục đăng ký bảo hộ phần mềm sẽ được thực hiện theo tuần tự các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
Hồ sơ đăng ký bảo hộ phần mềm sẽ gồm các loại giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký bản quyền tác phẩm phần mềm máy tính;
– Hai đĩa CD chứa nội dung tác phẩm và 02 bản in phần mềm tác phẩm đăng ký;
– Hợp đồng uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu tác phẩm thuộc sở hữu chung;
– Bản sao chứng minh thư của tác giả.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký bản quyền, chủ sở hữu sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Cục bản quyền tác giả.
Bước 3 Theo dõi hồ sơ đăng ký
Hồ sơ đăng ký sẽ trải qua một quá trình thẩm định với nhiều giai đoạn khác nhau. Ở mỗi giai đoạn, Cục bản quyền sẽ có thông báo đến người thực hiện. Trường hợp có sai sót thì sẽ có yêu cầu sửa đổi bổ sung. Do vậy sau khi đã nộp, người nộp hồ sơ cần theo dõi hồ sơ đăng ký để kịp thời bổ sung, sửa đổi.
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận đăng ký bản quyền
Trường hợp hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ thì Cục bản quyền tác giả sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm. Nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì Cục sẽ ra thông báo bổ sung hồ sơ hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cho phần mềm.