Chủ thể nào có quyền đăng ký quyền tác giả?
Để đảm bảo quyền lợi cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả Pháp luật sở hữu trí tuệ đã ghi nhận, bảo hộ quyền tác giả qua Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả chính là một sự ghi nhận đó.
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thì:
– Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
– Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định.
Như vậy, chủ thể có quyền đăng ký quyền tác giả là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả trong các trường hợp sau:
– Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả;
– Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả;
– Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả;
– Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế;
– Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền;
– Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định trên gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 2 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ).