Hướng dẫn đăng ký bản quyền sáng chế chính xác nhất
Mục lục
Đăng ký bản quyền sáng chế là cách nhanh nhất để tạo dựng các lá chắn pháp lý vững vàng cho sáng chế của mình khi ứng dụng sáng chế vào đời sống. Đây là thủ tục pháp lý khá đơn giản và có thể tự hiện, tuy nhiên bạn vẫn phải nắm rõ được quy trình đăng ký, cũng như xử lý từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành thủ tục đạt hiệu quả như mong muốn.
Sáng chế là đối tượng như thế nào?
Theo định nghĩa tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.”. Đây cũng là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tại sao nên đăng ký bản quyền sáng chế?
Vậy tại sao nên đăng ký bản quyền sáng chế mà không thực hiện trực tiếp thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế? Lý do chủ yếu nhất nằm ở thời gian xử lý và căn cứ phát sinh quyền giữa bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế được phát sinh thông qua quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm
Quyền tác giả phát sinh trên nguyên tắc tự động, cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có hướng dẫn:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Như vậy, bạn có thể thực hiện đăng ký bản quyền sáng chế của mình trước để xác lập căn cứ pháp lý an toàn đối với đối tượng này. Sau đó tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sáng chế để hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản sở hữu trí tuệ này của mình.
Trình tự thực hiện đăng ký bản quyền sáng chế
Bạn có thể mô tả và thể hiện sáng chế của mình dưới một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như: tác phẩm viết, tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng…
Hồ sơ đăng ký bản quyền cho sáng chế
Bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm thể hiện sáng chế được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”
Nộp hồ sơ và thời gian xử lý hồ sơ bảo hộ bản quyền sáng chế
Cục Bản quyền là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hợp lệ. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được quy định tại Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.”