Hướng dẫn bảo hộ bản quyền tác phẩm truyện tranh
Mục lục
Nền công nghiệp truyện tranh ngày một phát triển tại thị trường Việt Nam. Việc bảo hộ bản quyền truyện tranh cũng được các tác giả và chủ sở hữu truyện quan tâm nhiều hơn sau vụ kiện bản quyền nổi tiếng về bộ truyện “Thần Đồng Đất Việt”. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình với tác phẩm truyện tranh, bạn có thể tham khảo các cách đăng ký bảo vệ quyền tác giả ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Bảo hộ bản quyền truyện tranh dưới hình thức nào?
Truyện tranh là loại hình tác phẩm đặc biệt mang các giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm. Khi muốn bảo hộ bản quyền cho truyện tranh, trước hết bạn phải xác định nhu cầu bảo hộ của mình trên giá trị nội dung tác phẩm hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Tác phẩm văn học
Mỗi tác phẩm truyện tranh đều sẽ có các nội dung xuyên suốt mà tác giả sáng tạo nên. Đối với những nội dung này, bạn hoàn toàn có thể thể hiện nó dưới hình thức tác phẩm văn học để được bảo hộ quyền tác giả.
Tác phẩm mỹ thuật, tạo hình
Một trong những điều không thể thiếu cho tác phẩm truyện tranh chính là tranh minh họa chi tiết đối với nội dung mà bộ truyện muốn truyền tải. Các tác phẩm tranh này cũng có thể được xem là đối tượng bảo hộ bản quyền nếu đáp ứng điều kiện thể hiện quy định tại Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP:
“1. Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.”
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền
Hồ sơ đăng ký bản quyền cũng được hướng dẫn cụ thể tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm các tài liệu như:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm theo mẫu quy định;
- Mẫu tác phẩm thể hiện của truyện tranh;
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả của tác phẩm truyện tranh thuộc sở hữu chung;
- Các tài liệu liên quan khác của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm;
- Cam kết sáng tác của tác giả.
Quyền tác giả giữa tác giả và chủ sở hữu tác phẩm truyện tranh
Thông thường, mỗi tác phẩm truyện tranh sẽ được sáng tạo, sản xuất dựa trên những yêu cầu, hợp tác giả phía xuất bản và tác giả, họa sĩ sáng tác. Vì vậy, quyền tác giả của tác phẩm truyện tranh cũng sẽ được phân chia rõ ràng giữa những đối tượng này.
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, cụ thể được định nghĩa tại Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP:
“1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
2. Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
3. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.”