Quyền tác giả và sở hữu trí tuệ theo pháp luật hiện hành
Mục lục
Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề nổi lên như một hiện tượng trong những năm gần đây đặc biệt là khía cạnh bản quyền hay quyền tác giả. Nguyên nhân chính là bởi vì các hành vi các hành vi xâm phạm bản quyền đang diễn biến ngày một phức tạp. Vì thế mà việc tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan trở thành một điều cực kỳ cần thiết.
Khái quát về quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ hay gọi tắt là sở hữu trí tuệ là cách để người sáng tạo hình thành nên hành lang bảo vệ cho quá trình lao động của mình. Vì để hình thành nên một loại tài sản trí tuệ đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều công sức và tiền bạc. Vì vậy mà thành quả cuối cùng phải cần được bảo vệ và quyền sở hữu trí tuệ được ra đời cũng vì mục đích đó.
Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 thì Quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ. Trong đó bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể:
– Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
– Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ
Đối tượng được bảo hộ bằng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 là:
“Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.”
Quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ
Như đã nói quyền tác giả là một trong những quyền bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ. Thông thường quyền tác giả sẽ được gọi đơn giản là bản quyền hoặc bản quyền tác phẩm. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Căn cứ phát sinh quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật này thì phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Đối tượng được bảo hộ bằng cơ chế quyền tác giả bao gồm:
“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc,công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.”