Hồ sơ và thủ tục đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ
Mục lục
Đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ là điều vô cùng cần thiết trong thời buổi đạo nhái văn bản một cách tràn lan như hiện nay. Bài viết dưới đây của Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn các loại tác phẩm được bảo hộ bản quyền, hồ sơ và thủ tục đăng ký quyền tác giả sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm. Hãy cùng theo dõi bài viết tư vấn dưới đây của chúng tôi.
Đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là gì?
Đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền tác phẩm, đây là một thủ tục hành chính không bắt buộc thực hiện nhưng lại vô cùng cần thiết thực hiện. Là quá trình tác giả/chủ sở hữu tác phẩm văn học, báo chí,… sẽ nộp hồ sơ giấy tờ đăng ký bảo hộ đến Cục bản quyền tác giả hoặc ủy quyền cho chủ thể khác thay họ thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ tác phẩm để được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả.
Mặc dù thủ tục đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ không bắt buộc nhưng lại vô cùng cần thiết trong việc bảo vệ tối ưu quyền lợi của bản thân. Cục bản quyền tác giả sẽ cấp Văn bằng bảo hộ tác phẩm sau khi nhận được bộ hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ. Kể từ khi nhận được văn bằng bảo hộ thì về nguyên tắc, tác giả/chủ sở hữu tác phẩm sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc về mình khi có tranh chấp (tham khảo khoản 3 Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019).
Ngược lại, nếu không đăng ký bảo hộ tác phẩm, khi có tranh chấp xảy ra thì bạn phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó. Trong nhiều trường hợp, khi chủ thể khác có Văn bằng bảo hộ đối với tác phẩm đó trước thì việc tác giả/chủ sở hữu tác phẩm chứng minh quyền tác giả của mình là vô cùng khó khăn, đôi khi là không thể chứng minh được.
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền?
Theo quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019, các loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền gồm:
- Tác phẩm khoa học, văn học, sách giáo khoa, giáo trình…
- Bài giảng, bài phát biểu và những bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh;
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học và tác phẩm nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Quá trình đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
Quá trình đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ được diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ
Cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ;
- Hai bản sao hợp lệ tác phẩm đăng ký bản quyền;
- Giấy ủy quyền (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn bảo hộ (nếu có);
- Giấy tờ đồng ý của đồng tác giả, nếu do nhiều tác giả cùng tạo ra tác phẩm;
- Giấy tờ đồng ý của đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả của tác phẩm thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký
Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả.
Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký và hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Nếu hồ sơ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ nhận được thông báo bằng văn bản và có nêu rõ lý do.