Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thương hiệu cần có những gì?
Mục lục
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thương hiệu là bước đệm vô cùng quan trọng để bạn hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu của mình. Cần lưu ý, mỗi nhãn hiệu thương hiệu chỉ được bảo hộ nội dung trong danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà thương hiệu của bạn đang hoạt động.
Có bắt buộc đăng ký nhãn hiệu hay không?
Trước khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, bạn cần biết pháp luật hiện hành quy định như thế nào đối với nhãn hiệu, cũng như căn cứ để phát sinh quyền sở hữu với loại tài sản này như thế nào.
Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu được định nghĩa tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là: “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”. Nhãn hiệu có thể được tạo nên từ những màu sắc, hình khối, ngôn ngữ và sắp xếp với nhau để truyền tải nội dung mà thương hiệu muốn đem đến cho người xem.
Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Nhãn hiệu là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Pháp luật có quy định cụ thể căn cứ phát sinh quyền này với đối tượng nhãn hiệu tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
“Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.”
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thương hiệu như thế nào?
Như những thông tin ở trên, có thể thấy đối với các loại nhãn hiệu thương hiệu thông thường, bạn cần nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ. Thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu yêu cầu các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN) có dán mẫu nhãn hiệu cần bảo hộ. Danh mục hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu theo bảng phân loại quốc tế NICE 11
- 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc)
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp)
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký nhãn hiệu
- Các tài liệu liên quan khác nếu có
- Chứng từ nộp phí và lệ phí
Có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bằng những cách nào?
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bằng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình, bạn nên lựa chọn cách phù hợp nhất.
Nộp bộ hồ sơ giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Trường hợp nộp hồ sơ giấy, bạn có thể thực hiện trực tiếp hoặc gửi bưu điện hồ sơ của mình đến các địa chỉ dưới đây.:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ,: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Nam: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tuyến
Để thực hiện nộp hồ sơ bằng hình thức này, bạn phải có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ.
Cần lưu ý sau khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến thông qua hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, bạn vẫn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định trong thời hạn 01 tháng để hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ.