Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội
Đăng tải hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội ngày nay là một việc làm rất phổ biến. Tuy nhiên, đa số vẫn không hề biết rằng điều này có thể vi phạm pháp luật. Nhất là tình trạng đăng tải, sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác trên mạng xã hội một cách trái phép, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
Quyền của mỗi người đối với hình ảnh cá nhân của mình được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích thương mại, thì người sử dụng phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh cá nhân cũng cần có sự đồng ý của một số người nhất định theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của tòa án. Đối với người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, thì việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này, thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật cũng cho phép sử dụng hình ảnh mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong một số trường hợp, bao gồm: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, việc đăng tải, sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội mà không tuân thủ các quy định nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, người có hình ảnh (hoặc người đại diện hợp pháp của họ) có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi này xâm phạm, gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, thì người vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có hình ảnh theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, hình ảnh được xem là một dạng thông tin. Do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm pháp luật có thể thuộc các trường hợp được quy định tại các điểm e, g, bao gồm: thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Khi đó, tùy theo tính chất, mức độ hành vi, người thực hiện một trong những hành vi nêu trên, sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với mỗi hành vi. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, việc sử dụng hình ảnh của người khác làm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tùy theo mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.