Một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Mục lục
Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chính là một trong những thủ tục quan trọng mà chủ sở hữu nhãn hiệu nhất thiết phải thực hiện. Vì vốn dĩ nhãn hiệu chính là tiền đề cho sự phát triển của những tài sản hữu hình khác. Loại tài sản vô hình này cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên uy tín, chất lượng, niềm tin khách hàng dành cho sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Do vậy mà việc bảo hộ nhãn hiệu cần tiết phải được quan tâm và nắm rõ được các vấn đề chủ yếu liên quan đến thủ tục này.
>>> Tìm hiểu các vấn đề chính của Luật sở hữu trí tuệ: Tìm hiểu về luật sở hữu trí tuệ hiện hành
Quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ là một quá trình công nhận quyền của một chủ thể đối với nhãn hiệu đó. Do vậy mà không phải bất kỳ chủ thể nào cũng được quyền thực hiện thủ tục này. Trong mỗi trường hợp cụ thể thì chủ thể có quyền đăng ký có thể khác nhau. Cụ thể theo quy định tại Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì:
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
– Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
– Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
Lưu ý đối với đơn đăng ký nhãn hiệu
Vì thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ vốn dĩ đã mất rất nhiều thời gian để xử lý. Cũng vì lý do đó mà chỉ cần có bất kỳ sai sót nào trong đơn đăng ký cũng sẽ khiến cho quy trình này bị kéo dài thêm.
Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gồm giấy tờ gì?
Theo quy định tại Điều 100, Điều 105 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì đơn đăng ký bao gồm các tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
– Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
– Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu
Đơn đăng ký nhãn hiệu ngoài việc có đầy đủ các giấy tờ cần thiết thì người thực hiện còn phải lưu ý thêm 2 vấn đề sau:
– Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.
– Hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thỏa ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.