Các hành vi bị coi là xâm phạm bản quyền phim
Trong tất cả các lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền thì xâm phạm bản quyền phim luôn ở mức độ cao, càng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, uy tín của chủ sở hữu mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo vệ.
Phim là thuật ngữ chung được sử dụng trong cộng đồng, còn theo quy định của luật sở hữu trí tuệ thì phim được hiểu là “Tác phẩm điện ảnh”. Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 quy định tác phẩm điện ảnh là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, là 1 trong các đối tượng bảo hộ quyền tác giả.
Căn cứ theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các hành vi bị coi là xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh bao gồm:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh.
- Công bố, phân phối tác phẩm điện ảnh mà không được phép của tác giả hoặc của đồng tác giả đối với tác phẩm có đồng tác giả.
- Mạo danh tác giả hoặc làm và bán tác phẩm điện ảnh mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm điện ảnh gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Sao chép tác phẩm điện ảnh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; sao chép tác phẩm điện ảnh để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được dùng để làm tác phẩm phái sinh
- Sử dụng, cho thuê, xuất bản, nhân bản, phân phối hoặc truyền đạt phim đến công chúng mà không được phép, không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
- Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với phim của mình hoặc Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong phim.
- Sản xuất, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh của mình.
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm điện ảnh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Đối với mỗi hành vi xâm phạm bản quyền phim nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tương ứng theo quy định của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.