Giấy ly hôn viết tay có được chấp nhận không?
Mục lục
Dù bạn sử dụng mẫu đơn ly hôn hoặc giấy ly hôn viết tay đều được cả, vì pháp luật không bắt buộc bạn phải sử dụng bất kỳ mẫu ly hôn cụ thể nào cả. Để hiểu rõ hơn về giấy ly hôn viết tay cũng như cách viết đơn ly hôn như thế nào? Hãy cùng Văn phòng đăng ký bản quyền cùng theo dõi bài tư vấn dưới đây. Mong rằng, thông qua bài viết này sẽ hỗ trợ được cho các bạn trong quá trình ly hôn.
1. Giấy ly hôn viết tay có còn được Tòa án chấp nhận?
Pháp luật Hôn nhân và gia đình và Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành không bắt buộc đơn ly hôn phải theo mẫu quy định. Nếu giấy ly hôn viết tay, dù là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương thì vẫn có thể được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, giấy ly hôn viết tay cần có đầy đủ những nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên Tòa án nhận đơn;
- Họ và tên, địa chỉ cư trú, số CMND/CCCD/Hộ chiếu của người viết đơn;
- Họ và tên, địa chỉ cư trú của vợ/chồng;
- Nội dung trong đơn ly hôn: Đề cập đến thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm sống ban đầu ở đâu, hiện nay có còn sống chung với nhau hay không, tình trạng mối quan hệ hôn nhân hiện tại và nguyên nhân dẫn đến quyết định ly hôn…
- Về con cái chung: Nếu đã có con chung thì ghi thông tin các con chung như họ tên, ngày tháng năm sinh…, nguyện vọng và đề nghị nuôi con…
- Về tài sản chung: Liệt kê những tài sản chung hiện có, giá trị thực tế và yêu cầu đề nghị phân chia tài sản khi ly hôn như thế nào?… Ngoài ra, nếu có những khoản nợ chung thì cần thể hiện rõ trong đơn ly hôn và yêu cầu đề nghị phân chia nghĩa vụ trả nợ;
- Họ và tên, chữ ký của người viết đơn…
2. Hồ sơ ly hôn cần chuẩn bị những gì?
Về cơ bản, hồ sơ ly hôn dùng trong trường hợp đơn phương ly hôn hoặc thuận tình ly hôn đều giống nhau. Những giấy tờ cần thiết như sau:
- Đơn yêu cầu đơn phương ly hôn/đơn yêu cầu thuận tình ly hôn;
- Giấy chứng nhận về việc đăng ký kết hôn (bản chính);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của tất cả con cái (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
3. Thủ tục ly hôn được diễn ra như thế nào?
Quy trình các bước ly hôn sẽ được diễn ra như sau:
Trường hợp 1: Đơn phương ly hôn
Về cơ bản, đơn phương ly hôn được diễn ra như sau:
Bước 1: Thụ lý đơn ly hôn
Vợ hoặc chồng – Người muốn ly hôn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên để nộp cho Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Hòa giải
Sau khi nhận được đơn đề nghị ly hôn, Tòa án sẽ xem xét có nhận và thụ lý vụ án ly hôn không. Nếu xét thấy có căn cứ để thụ lý đơn ly hôn thì yêu cầu người nộp đơn nộp án phí tạm ứng và tiến hành hòa giải.
Nếu hai vợ chồng hòa giải thành, Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành. Ngược lại, nếu không hòa giải được thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Bước 3: Mở phiên tòa sơ thẩm
Tòa án thụ lý vụ án ly hôn, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Trường hợp 2: Thuận tình ly hôn
Về cơ bản, thuận tình ly hôn được diễn ra như sau:
Bước 1: Thụ lý đơn
Vợ và chồng chuẩn bị hồ sơ ly hôn như trên và nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn và mở phiên họp công khai
Quá trình này nhằm mục đích giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ xem xét đơn yêu cầu ly hôn thuận tình, căn cứ để chấm dứt quan hệ hôn nhân và ra thông báo nộp lệ phí tạm ứng. Sau khi vợ/chồng nộp tạm ứng lệ phí thì Tòa án sẽ mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Bước 3: Ra quyết định công nhận về việc thuận tình ly hôn
Sau khi tiến hành hòa giải mà không thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận về việc thuận tình ly hôn. Ngược lại, nếu hai vợ chồng hòa giải thành thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự.