Đăng ký nhãn hiệu thương mại như thế nào?
Mục lục
Nhãn hiệu là dấu hiệu gây ấn tượng và giúp cho người tiêu dùng gọi tên, nhớ đến sản phẩm/dịch vụ của cá nhân, tổ chức dễ dàng hơn. Vì vậy ngay khi sáng tạo ra nhãn hiệu các cá nhân, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký ngay với cơ quan nhà nước. Đăng ký nhãn hiệu thương mại sẽ giúp bạn bảo vệ cho nhãn hiệu tránh khỏi tình trạng ăn cắp ngày càng bùng nổ như hiện nay.
Trường hợp nhãn hiệu không được đăng ký nhãn hiệu thương mại
Nhãn hiệu được phép đăng ký bảo hộ phải đáp ứng được các điều kiện đề ra. Bên cạnh đó sẽ có những yêu cầu, dấu hiệu theo quy định thì nhãn hiệu sẽ không được phép đăng ký nếu tồn tại những yếu tố này. Các yếu tố đó bao gồm:
- Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt với nhãn hiệu khác. Chẳng hạn như các hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ không có khả năng phát âm,… Trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận một cách rộng rãi.
- Các nhãn hiệu gây sự hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa đảo người tiêu dùng về xuất xứ, tính năng, công dụng hoặc chất lượng của hàng hóa.
- Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm sản xuất, tên gọi thông thường của sản phẩm,…
Nếu bất kỳ nhãn hiệu thương mại nào của các doanh nghiệp có tồn tại các yếu tố trên thì hiển nhiên nhãn hiệu thương mại đó sẽ bị từ chối bảo hộ.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thương mại
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần chuẩn bị những tài liệu sau
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (theo mẫu): 02 bản;
- Mẫu nhãn hiệu: 4 mẫu; gồm 2 mẫu được dán trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và 2 mẫu đi kèm bên ngoài;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký gồm một trong những giấy tờ sau: giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép hoặc quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ hoạt động của tổ chức hoặc doanh nghiệp. Tất cả các văn bản này đều chỉ cần 1 bản photo có xác thực;
- Chứng từ lệ phí xác nhận đã nộp lệ phí đăng ký cho cơ quan có thẩm quyền;
- Giấy ủy quyền nộp đơn: 01 bản;
- Tài liệu khác (nếu có hoặc khi được yêu cầu bổ sung theo sản phẩm cụ thể đăng ký nhãn hiệu).
Bất lợi có thể xảy ra nếu không đăng ký nhãn hiệu thương mại
Một khi tên nhãn hiệu thương mại được nhiều người biết đến tức là đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đồng thời cũng chiếm được ít nhiều thiện cảm của người tiêu dùng. Lúc này những đối tượng có ý định cạnh tranh không lành mạnh có thể lợi dụng việc chủ doanh nghiệp sơ xuất. Không đăng ký bảo hộ sẽ là điều kiện để những đối tượng đó thực hiện hành vi của mình. Những trường hợp có thể xảy ra bao gồm:
- Tên nhãn hiệu thương mại bị đối thủ cạnh tranh sử dụng cho các hoạt động doanh nghiệp của họ.
- Đăng ký để nhãn hiệu thương mại đó trở thành đối tượng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ
- Doanh nghiệp sẽ không có căn cứ để chứng minh quyền lợi thuộc về mình
- Buộc phải thay đổi tên nhãn hiệu nếu đối thủ đã đăng ký quyền sở hữu.
- Đối thủ có quyền khởi kiện trong trường hợp họ đã đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp bạn vẫn tiếp tục sử dụng.
- Mất đi nguồn khách hàng tìm đến doanh nghiệp thông qua việc nhận dạng ở tên nhãn hiệu thương mại.
- Hoàn toàn bất lợi trong mọi trường hợp xảy ra tranh chấp về những vấn đề liên quan đến nhãn hiệu thương mại.