Cách viết đơn ly hôn thuận tình như thế nào?
Mục lục
Khi cuộc sống hôn nhân vào tình trạng trầm trọng, khó có thể cứu vãn, các cặp vợ chồng thường nghĩ đến việc ly hôn. Đây vừa là phương thức nhằm “giải thoát” những bế tắc trong đời sống vợ chồng, vừa tạo tiền đề để thực hiện những thủ tục pháp lý sau này. Thế nhưng, hiện nay không phải ai cũng biết cách viết đơn ly hôn thuận tình. Bài viết dưới đây góp phần cung cấp thông tin hữu ích nhằm giải quyết vấn đề đó.
Đơn ly hôn thuận tình được hiểu như thế nào?
Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thuận tình ly hôn là sự thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng. Do đó, đơn xin ly hôn thuận tình cũng có thể hiểu là văn bản pháp lý thể hiện ý chí, nguyện vọng ly hôn của cả hai vợ chồng, đồng thuận để giải quyết những vấn đề liên quan đến ly hôn.
Trong trường hợp này, cụ thể đó chính là sự thỏa thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân, quyền trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung và con chung. Như vậy, đơn ly hôn có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò một loại tài liệu rất cần thiết trong hồ sơ ly hôn.
Cách viết đơn ly hôn thuận tình
Để viết đơn ly hôn thuận tình, các bên phải đáp ứng những yêu cầu theo quy định của pháp luật, cả về hình thức và nội dung. Cụ thể như sau:
Hình thức đơn ly hôn thuận tình
Hình thức đơn ly hôn thuận tình phải tuân thủ theo quy định tại Mẫu số 01 – VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ – HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Trong đó có những yêu cầu về:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ.
- Tên đơn. Tên đơn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của các cặp vợ chồng, có thể là “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” hoặc “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản ly hôn”.
- Nơi nhận. Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn thuận tình. Đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ là Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ theo Điều 37 Luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Thông tin của người yêu cầu đồng thuận ly hôn. Đó là những thông tin cơ bản, yêu cầu các loại giấy tờ như CMND/CCCD/ Hộ chiếu, địa chỉ hộ khẩu thường trú, tên tuổi,…
- Nội dung yêu cầu Tòa giải quyết. Về nội dung có thể là yêu cầu Tòa công nhận sự đồng thuận ly hôn hoặc đồng thuận về việc chia tài sản, con chung khi ly hôn.
- Những tài liệu, giấy tờ chứng minh kèm theo đơn.
- Địa điểm, thời gian thực hiện đơn ly hôn.
- Chữ ký của người làm đơn theo yêu cầu. Sau khi viết xong đơn yêu cầu ly hôn thuận tình, cả hai vợ chồng sẽ ký và ghi rõ họ tên vào đơn để xác nhận.
Nội dung của đơn ly hôn thuận tình
Thông thường, nội dung của đơn ly hôn thuận tình thường chú trọng đến những vấn đề như sau:
Mối quan hệ hôn nhân
Trong phần này, thường sẽ đề cập chi tiết đến tình trạng hôn nhân của hai vợ chồng. Người nộp đơn cần ghi rõ thời gian kết hôn, địa điểm chung sống, hiện có đang ở cùng nhau không, những mâu thuẫn nào thường xảy ra, hoặc lý do dẫn đến ly hôn? Hai người đã từng được hòa giải chưa, kết quả hòa giải như thế nào, đã chắc chắn muốn ly hôn không,…
Về con chung
Nếu chưa có con, người viết đơn không cần phải ghi phần này. Nếu đã có, thì cần ghi thông tin con chung như tên, tuổi và nguyện vọng của con. Về vấn đề cấp dưỡng, nếu hai vợ chồng đã thỏa thuận thì nêu rõ người thực hiện nghĩa vụ đó.
Về tài sản chung
Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là sự đóng góp của cả hai vợ chồng trong quá trình lao động, sản xuất, thu nhập hợp pháp hoặc được thừa kế, tặng cho chung. Nếu giữa hai người đã có sự đồng thuận về vấn đề tài sản, chỉ cần nêu rõ việc thuận tình chia tài sản, không yêu cầu Tòa giải quyết.
Về nợ chung
Nếu không có nợ, thì các bên không cần chú trọng đến phần này. Tuy nhiên, trong quá trình hôn nhân, hai người đã phát sinh các khoản nợ chung, nợ riêng và đã thỏa thuận thì cần nêu rõ trong đơn về trách nhiệm trả nợ của từng người.
Về danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu
Các bên cần liệt kê các loại chứng cứ chứng minh có trong hồ sơ ly hôn, đặc biệt là thể hiện yếu tố thuận tình. Đồng thời, cần ghi rõ các loại bản chính, bản trích lục hay photo,… sau đó gửi kèm hồ sơ nộp cho Tòa án.