Đăng ký tem chống hàng giả cần lưu ý những gì?
Mục lục
Tem chống hàng giả là một trong những công nghệ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bảo vệ và xác thực hàng hóa, sản phẩm của mình khi kinh doanh trên thị trường. Giữa tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… của các chủ thương hiệu, pháp luật có hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết về cách thức sử dụng giải pháp công nghệ về tem chống hàng giả.
Chủ thể nào được phép hoạt động cung cấp tem chống hàng giả?
Tem chống hàng giả trước kia được cấp bởi Viện khoa học Hình sự – Bộ Công an, việc in và cung cấp tem chống giả được thực hiện theo hình thức là Viện trực tiếp ký hợp đồng và cung cấp tem có dòng chữ “Viện khoa học hình sự – Bộ công an” để các Doanh nghiệp dán trực tiếp lên hàng hóa do mình sản xuất hoặc nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/02/2017, Viện khoa học hình sự đã ra công văn Số 94/ C54 –P1 về việc: “Dừng cung cấp Tem chống hàng giả”.
Như vậy, hoạt động in và sản xuất tem chống giả sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp tự đăng ký theo dạng ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều kiện để sản xuất, kinh doanh tem chống hàng giả
Tem chống giả là sản phẩm in là sản phẩm được tạo ra bằng công nghệ, thiết bị ngành in trên các loại vật liệu khác nhau. Điều kiện để cơ sở in có thể hoạt động sản xuất tem chống giả được quy định tại Điều 11 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 25/2018/NĐ-CP, cụ thể:
- Có thiết bị phù hợp để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn chế bản, in, gia công sau in theo nhu cầu, khả năng hoạt động của cơ sở in và đúng với nội dung đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in hoặc tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in
- Có mặt bằng hợp pháp để thực hiện chế bản, in, gia công sau in
- Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Hồ sơ đăng ký sản xuất tem chống hàng giả
Hồ sơ xin cấp phép in tem chống hàng giả phải được nộp đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua các phương thức như: nộp trực tiếp, chuyển phát bưu điện, đăng ký trên cổng dịch vụ công. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in theo mẫu quy định;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký thuế, quyết định thành lập cơ sở in đối với cơ sở in sự nghiệp công lập
- Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in theo mẫu quy định.
Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 5 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP, thời hạn xử lý đơn xin cấp phép như sau:
“3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in phải cấp giấy phép trong đó ghi rõ nội dung hoạt động in phù hợp với thiết bị của cơ sở in và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động in; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Hồ sơ đề nghị cấp phép của cơ sở in không đầy đủ thông tin, thông tin không trung thực hoặc không thể hiện việc đáp ứng đủ điều kiện hoạt động quy định tại Điều 11 Nghị định này bị từ chối nhận hồ sơ cấp phép.
Cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in không phải đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 14 Nghị định này. Trường hợp cơ sở in đề nghị cấp phép hoạt động in các sản phẩm quy định tại Nghị định này, đồng thời đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm mà cơ sở in có đủ điều kiện theo quy định của Luật xuất bản thì cấp chung trên một giấy phép.”