Các vấn đề liên quan đến quyền nuôi con khi ly hôn
Mục lục
Hệ quả pháp lý của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt quan hệ vợ chồng mà còn đặt ra việc ai là người có quyền nuôi con sau ly hôn. Là bậc cha mẹ thì ai cũng muốn trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, vì thế việc tranh chấp giành quyền nuôi con sau ly hôn là vấn đề thường xuyên xảy ra. Cuộc chiến tranh giành quyền nuôi con khi ly hôn của các cặp vợ chồng luôn là cuộc chiến quyết liệt và kéo dài.
1. Khi ly hôn thì quyền nuôi con thuộc về ai?
Pháp luật quy định Tòa án nhân dân sẽ dựa vào sự thỏa thuận của người vợ và người chồng để quyết định người mẹ hoặc người bố là người được trực tiếp nuôi dạy con. Nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho bố hoặc mẹ nuôi dưỡng căn cứ trên quyền lợi về mọi mặt của con.
Lưu ý: Khi người con dưới 36 tháng tuổi sẽ được chỉ định giao cho người mẹ nuôi dưỡng, trừ khi người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người con hoặc giữa người bố và người mẹ có thỏa thuận khác để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của người con.
2. Những lợi thế khi giành quyền nuôi con là gì?
Khi bạn muốn giành quyền nuôi con khi ly hôn thì những điều sau đây sẽ rất có lợi cho việc giành quyền nuôi con:
Thứ nhất, đưa ra bằng chứng thể hiện đối phương có lỗi trong việc ly hôn
Khi ra Tòa án, nếu bạn có thể chứng minh được đối phương là người có lỗi làm cho cuộc sống hôn nhân không thể tiếp tục thì bạn sẽ có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con, như ngoại tình, bạo lực gia đình, không thực hiện tốt nghĩa vụ của một người chồng/vợ,…
Yếu tố đạo đức là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án đưa quyết định việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng. Những người vợ, chồng khiến đối phương đề nghị ly hôn vì không chung thủy, vì có hành vi bạo lực cũng thể hiện đạo đức và phẩm chất của người đó không tốt.
Thứ hai, chứng minh nguồn thu nhập đảm bảo nuôi con
Bạn cần chứng minh tình trạng tài chính ổn định, bằng việc chứng minh mình có thu nhập đảm bảo nuôi con như bảng lương, sổ đóng bảo hiểm xã hội, doanh thu bán hàng…. Điều kiện vật chất sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án xem xét giao quyền nuôi con cho ai. Bởi người không có thu nhập ổn định khó có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho con.
Thứ ba, chứng minh có thời gian quan tâm chăm sóc con
Người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con phải có thời gian dành cho con. Để trẻ có thể phát triển toàn diện thì phải được đáp ứng cả về yếu tố vật chất và tinh thần. Do đó, nếu bạn có kinh tế nhưng lại không thể bố trí thời gian để chăm sóc, gần gũi con thì Tòa án cũng khó có thể giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng.
Thứ tư, chứng minh đối phương trong thời gian chung sống không quan tâm con, bạo lực với con,…
Để được trực tiếp nuôi dưỡng con, người vợ/chồng phải là người có sự yêu thương và dành nhiều tình cảm cho con. Do đó, nếu bạn có bằng chứng chứng minh được đối phương trong thời gian chung sống thường xuyên có những hành vi bạo lực với con về thể xác, tinh thần, không quan tâm, lo lắng cho con, không hoàn thành tốt trách nhiệm của một người cha, người mẹ… thì bạn sẽ giành lợi thế.
3. Trách nhiệm của người không được nuôi con
Người không nuôi con sau ly hôn có các quyền và nghĩa vụ đối với con như sau:
Phải luôn tôn trọng quyền và lợi ích của con khi sống chung với người vợ, người chồng của bạn khi họ trực tiếp nuôi dạy người con:
- Cấp dưỡng cho con;
- Có quyền được đến thăm con mà không ai có quyền cản trở;
- Không được lạm dụng việc thăm con để gây cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi con của người vợ/người chồng của bạn.
Lưu ý: Mức cấp dưỡng là sự thỏa thuận của hai bên căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, thu nhập và khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng.