Đăng ký bản quyền website như thế nào?
Mục lục
Website hiện là xu hướng chung để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mà mình cung cấp. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, website được thiết kế mang những nét đặc trưng của từng doanh nghiệp. Đây cũng chính là ngôi nhà chung mà nhiều doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tâm huyết, chất xám và là tài sản quan trọng để phát triển thương hiệu. Đăng ký bản quyền website là thủ tục giúp bạn có căn cứ vững chắc, xử lý được các xâm phạm của các chủ thể khác khi xâm phạm bản quyền website, tạo niềm tin với khách hàng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình.
Website được bảo hộ quyền tác giả như thế nào?
Theo định nghĩa tại khoản 17 Luật Công nghệ thông tin 2016: “Trang thông tin điện tử (Website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.”. Thông thường, website sẽ được viết lên từ chương trình máy tính, hoặc được thiết kế như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Chi tiết hơn, chương trình máy tính và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được hiểu như sau:
- Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.
Bạn có thể lựa chọn loại hình tác phẩm phù hợp nhất với website để chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền website được đầy đủ và chính xác nhất.
Quy trình đăng ký bản quyền website
Khi thực hiện đăng ký bản quyền website, bạn phải nộp hồ sơ đến Cục Bản quyền để được xét duyệt và cấp giấy chứng nhận. Thành phần hồ sơ theo hướng dẫn tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[18] quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”