Bánh kẹo mứt Tết giả tràn lan trên thị trường
Mục lục
Vào dịp gần Tết, tại các chợ, một số cửa hàng bày bán rất nhiều loại bánh kẹo mứt tết, trong số đó có không ít loại bánh kẹo mứt kém chất lượng, hàng giả/nhái được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. Việc làm này xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng, thương hiệu bị làm giả. Vậy hành vi buôn bán bánh kẹo mứt Tết giả nếu bị phát hiện thì xử lý thế nào và có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
1. Trình trạng thật giả lẫn lộn của bánh kẹo mứt tết
Khảo sát thực tế tại nhiều cửa hàng, chợ dân sinh, các giỏ quà Tết được trưng bày khá phong phú. Tuy nhiên, có nhiều tiểu thương đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để đưa vào giỏ quà những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng. Thậm chí tư vấn Khách hàng mua sản phẩm giá rẻ bằng lời quảng cáo là hàng nhập khẩu.
Tình trạng lập lờ chất lượng cũng xảy ra tại các website, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Với tâm lý ngại đi mua và thói quen đặt hàng qua mạng trong thời điểm dịch Covid, nhiều người chọn đặt hàng qua mạng. Tuy nhiên, thực tế là các loại rượu vang Chile, bánh kẹo nhập từ Thái Lan,… nhưng giá rao bán trên Shopee, Lazada chỉ hơn 300.000 đồng/giỏ kèm lời quảng cáo “Hàng xách tay, cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Trước tình trạng thật giả lẫn lộn, mỗi người khi mua, đặc biệt là đồ thực phẩm như bánh kẹo mứt cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ. Vì hiện nay các đối tượng tội phạm làm hàng giả, hàng nhái hoạt động rất mạnh.
2. Bán kẹo mứt Tết giả bị xử lý hành chính như thế nào?
Hành vi buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả có thể bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 6.000.000 đồng khi bánh kẹo mứt Tết giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 10.000.000 đồng khi bánh kẹo mứt Tết giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng – dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng trong khi bánh kẹo mứt Tết giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng – dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng – dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng khi bánh kẹo mứt Tết giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng – dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng – dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng – 60.000.000 đồng khi bánh kẹo mứt Tết giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng – dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng – dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng – 100.000.000 đồng khi bánh kẹo mứt Tết giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu hình sự.
Mức phạt trên áp dụng cho cá nhân. Theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tổ chức sẽ chịu gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân. Như vậy, hành vi buôn bánh kẹo mứt giả mạo nhãn dán, bao bì tùy vào mức độ vi phạm, số tiền phạt có thể lên đến 200.000.000 đồng.
Bên cạnh phạt tiền, còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng – 03 tháng đối trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm; buộc đưa ra khỏi Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
3. Bán kẹo mứt Tết giả bị xử lý hình sự không?
Khi bán kẹo mứt giả đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự. Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm – 05 năm. Tùy theo mức độ vi phạm, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì mức phạt tiền từ 01 tỷ – 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ có thời hạn từ 06 tháng – 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng – 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm – 03 năm.