Bán quần áo Tết trên vỉa hè có bị phạt không?
Mục lục
Cùng với những đồ Tết truyền thống, thực phẩm, đồ trang trí thì quần áo tết chính là mặt hàng đem lại siêu lợi nhuận trong dịp gần Tết. Một thời điểm vàng cho nhà kinh doanh thời trang bởi vì theo khảo sát thì trong những ngày này nhu cầu mua sắm quần áo tăng đột biến. Vì vậy, các chủ shop thường đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi mua sắm, cập nhập nhiều mẫu mã mới để thu hút Khách hàng.
1. Tình hình bán quần áo dịp Tết
Quần áo là một trong những mặt hàng được mua sắm nhiều nhất trước mỗi dịp Tết, bên cạnh thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống… Cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm quần áo của người tiêu dùng tăng cực kỳ cao. Bởi một năm chỉ có một lần cho nên ai ai cũng sẽ sẵn sàng chi tiền để mua đồ diện Tết cho mình và người thân. Những ngày bình thường mỗi lần chỉ mua 01 – 02 cái, còn khi gần Tết thì hầu hết ai cũng mua ít nhất vài bộ để diện đi chơi, đi du xuân.
Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, các cửa hàng kinh doanh thời trang đã liên tục cập nhật, bổ sung nguồn hàng mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng,như: chú trọng đổi mới chất liệu, tăng trải nghiệm với những dòng sản phẩm 5K (không xù, không co, không nhăn, không tĩnh điện và không giới hạn về kiểu dáng, độ tuổi) và 3S (siêu nhẹ – siêu gọn – siêu ấm).
2. Thực trạng của bán hàng hóa trên vỉa hè
Vỉa hè không chỉ bị tận dụng thành nơi bày bán quần áo Tết mà còn bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa,…; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, các chợ tự phát dường như trở thành hình ảnh quen thuộc và việc mua bán ở lòng, lề đường cũng dần trở thành một thói quen của người dân.
Có thể thấy sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch; thiếu ý thức của người mua, người bán; chế tài chưa đủ răn đe,… nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên. Dù hầu hết mọi người đều nhận thức được hành vi lấn chiếm lòng, lề đường là sai nhưng vẫn cố tình thực hiện. Dù biết việc buôn bán liên quan đến mưu sinh của người dân, nhưng vấn nạn này vẫn cần phải sớm khắc phục để trả lại bộ mặt cảnh quan cho đô thị.
3. Bán quần áo Tết trên vỉa hè có bị phạt không?
Theo quy định tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, trường hợp đặc biệt như tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội,… nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Và tuyệt đối không được thực hiện các hoạt động sau:
- Họp chợ, mua bán các mặt hàng hóa trên đường bộ;
- Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
- Thả rông súc vật trên đường bộ;
- Phơi lúa, thóc, rơm rạ, nông sản,… trên đường bộ;
- Đặt các biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
- Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo,… làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
- Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
- Sử dụng patanh, bàn trượt, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
- Đổ rác, phế thải không đúng nơi quy định;
- Xây, đặt bục hoặc bệ trái phép trên đường,…
Như vậy, hành vi quần áo Tết trên vỉa hè là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Và nếu bạn đã vi phạm thì sẽ bị xử lý hành chính căn cứ theo Điều 12 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, phạt tiền
Tùy vào hành vi mà mức phạt khác nhau, cụ thể như sau:
- Phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng – 400.000 đồng đối với tổ chức để bán quần áo Tết trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng;
- Phạt từ 300.000 đồng – 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng – 800.000 đồng đối với tổ chức chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán quần áo Tết;
- Phạt từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Bày, bán quần áo Tết gây cản trở giao thông.
Thứ hai, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài việc bị áp dụng hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là phải thu dọn quần áo Tết và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.