Viết đơn ly hôn bằng tay có được không?
Mục lục
Đơn ly hôn là tài liệu bắt buộc và rất quan trọng trong bộ hồ sơ ly hôn. Theo quy định của pháp luật, bạn có thể viết đơn ly hôn bằng tay hoặc đánh máy hoặc sử dụng đơn ly hôn theo mẫu nhưng phải có đầy đủ các nội dung cần thiết. Bời vì Tòa án sẽ căn cứ vào đơn ly hôn sẽ xem xét có thuộc thẩm quyền cũng như điều kiện ly hôn không? Để hiểu rõ hơn về cách viết đơn ly hôn bằng tay, mời các bạn cùng theo xem bài tư vấn dưới đây.
1. Nguyên nhân ly hôn thường gặp là gì?
Sau đây là những nguyên nhân thường gặp giữa các cặp đôi vợ chồng đòi ly hôn:
- Ngoại tình: Người vợ/chồng sẽ muốn chấm dứt cuộc hôn nhân vì phát hiện ra người kia đang lừa dối mình;
- Bạo hành về tinh thần hay thể xác;
- Tài chính eo hẹp: Khi vợ/chồng căng thẳng vì những khoản chi, khoản nợ… Họ sẽ nghĩ nửa kia của mình tiêu quá nhiều, không kiếm được như mình kỳ vọng…. Dần dần, sự căng thẳng về tài chính trở nên quá tải dẫn tới rạn nứt trong hôn nhân;
- Chưa sẵn sàng khi bước vào hôn nhân do lập gia đình quá sớm hoặc khi chưa biết rõ bản thân mình muốn tìm người chồng/vợ như thế nào cho phù hợp;
- Không có tiếng nói chung: Khi người vợ/chồng không thể khiến người kia hiểu được mình thì kết quả sẽ là những cuộc tranh cãi không hồi kết và oán giận ngày càng gia tăng. Không tìm được tiếng nói chung khiến hai người thấy tuyệt vọng, thấy không được tôn trọng và rất khó để ở bên nhau;
- Không còn tình cảm: Đôi khi chỉ vì cảm giác ngày càng xa cách nhau hay là không có những cảm xúc lãng mạn cũng đủ để chấm dứt cuộc hôn nhân…
2. Viết đơn ly hôn bằng tay như thế nào?
Khi viết đơn ly hôn bằng tay, bạn cũng cần đảm bảo cũng nội dung như sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ cần phải được viết đúng chuẩn và căn giữa ở phần đầu (Quốc ngữ: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, tiêu ngữ: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”);
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Ghi rõ “Đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình” hoặc “Đơn ly hôn đơn phương”;
- Ghi rõ Tòa án sẽ thụ lý đơn ly hôn;
- Nội dung trong đơn ly hôn: Đề cập đến thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm sống ban đầu ở đâu, hiện nay có còn sống chung với nhau hay không, tình trạng mối quan hệ hôn nhân hiện tại và nguyên nhân dẫn đến quyết định ly hôn (Do ngoại tình/cờ bạc/bạo hành gia đình hay do bất đồng quan điểm, cuộc sống hôn nhân nhạt nhẽo….);
- Về con cái chung: Nếu đã có con chung thì ghi thông tin các con chung như họ tên, ngày tháng năm sinh…, nguyện vọng và đề nghị nuôi con… Khi hai vợ chồng đã có thỏa thuận thì cần phải ghi rõ thỏa thuận của hai vợ chồng về con nuôi. Nếu như hai vợ chồng không có con chung thì ghi rõ là không có con chung;
- Về tài sản chung: Liệt kê những tài sản chung hiện có, giá trị thực tế và yêu cầu đề nghị phân chia như thế nào?… Ngoài ra, nếu có những khoản nợ chung thì cần thể hiện rõ trong đơn ly hôn và yêu cầu đề nghị phân chia nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp vợ chồng đã có thỏa thuận về phân chia tài sản chung, nợ chung thì cần ghi rõ trong đơn ly hôn. Nếu không có tài sản chung, nợ chung thì ghi rõ là không có;
- Họ và tên, chữ ký của người viết đơn…
3. Hồ sơ và thủ tục yêu cầu ly hôn được diễn ra như thế nào?
Hồ sơ ly hôn sẽ gồm những giấy tờ như sau:
- Đơn yêu cầu đơn phương ly hôn/đơn yêu cầu thuận tình ly hôn;
- Giấy chứng nhận về việc đăng ký kết hôn (bản chính);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của người vợ và người chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của tất cả con cái (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên thì nộp cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tòa án sẽ xem xét có thụ lý đơn ly hôn không? Và tiến hành thủ tục ly hôn như sau:
Trường hợp 1: Ly hôn đơn phương
Xét thấy có căn cứ để thụ lý đơn ly hôn thì yêu cầu người nộp đơn nộp án phí tạm ứng và tiến hành hòa giải. Nếu hai vợ chồng hòa giải thành, Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành. Ngược lại, nếu không hòa giải được thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Tòa án thụ lý vụ án ly hôn, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Trường hợp 2: Ly hôn thuận tình
Xét thấy có căn cứ để thụ lý đơn ly hôn thì ra thông báo nộp lệ phí tạm ứng. Sau khi vợ/chồng nộp tạm ứng lệ phí thì Tòa án sẽ mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Sau khi tiến hành hòa giải mà không thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận về việc thuận tình ly hôn. Ngược lại, nếu hai vợ chồng hòa giải thành thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự.