Quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh
Với một nước đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thâm nhập vào thị trường thế giới và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chính vì vậy, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nền điện ảnh trong nước đồng thời thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam hội nhập với thị trường điện ảnh thế giới.
Một số khái niệm liên quan
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì tác phẩm điện ảnh là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kĩ thuật, công nghệ bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009)
Bảo hộ quyền tác giả có nghĩa là bảo đảm cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như: sao chép, lợi dụng tác phẩm đó.
Tác phẩm điện ảnh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 Sửa đổi bổ sung 2009 (Luật SHTT 2005 SĐBS 2009) thì tác phẩm điện ảnh là một trong những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Điều kiện bảo hộ quyền tác giả
Tác phẩm điện ảnh phải được đăng ký quyền tác giả. Để được đăng ký tác phẩm điện ảnh phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Ý tưởng về một tác phẩm phải được cụ thể hóa trên một loại vật chất nhất định.
– Tác phẩm phải có tính nguyên gốc (tác phẩm phải do chính tác giả, trực tiếp tác giả sáng tạo, không sao chép, bắt chước tác phẩm khác).
– Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả.
– Tác phẩm phải được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác…
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh là 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn 50 năm được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình (Điều 27 Luật SHTT 2005 SĐBS 2009)
Ở Việt Nam, việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh và vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng, phức tạp. Do đó, việc nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành về việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh là hết sức cần thiết.