Công bố thực phẩm theo quy định của pháp luật
Ngày nay tình trạng thực phẩm bẩn, hàng giả, thực phẩm đã hết hạn sử dụng đang diễn ra tràn lan trên thị trường. Bởi vậy, việc kiểm tra, giám sát thực phẩm là điều cần thiết phải tiến hành. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì việc công bố thực phẩm của các tổ chức, cá nhân là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Theo quy định tại Khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mĩ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm…
Công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm phù hợp với quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kĩ thuật tương ứng (Khoản 1 Điều 2 Thông Tư 19/2012/TT-BYT)
Những thực phẩm phải thực hiện công bố
Căn cứ vào quy định tại Điều 3 Nghị Định 38/2012/NĐ-CP thì những thực phẩm phải thực hiện việc công bố thực phẩm gồm:
– Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu kinh doanh, tiêu thụ tại Việt Nam
– Sản phẩm liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm như dụng cụ chưa đựng, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, hay nguyên liệu chính để sản xuất ra những những sản phẩm này. Sản phẩm chỉ với mục đích xuất khẩu cũng được khuyến khích công bố.
– Sản phẩm được sản xuất trong nước, có mục đích xuất khẩu, công bố tiêu chuẩn sản phẩm ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đối tượng áp dụng việc công bố thực phẩm
Căn cứ Điều 2 Nghị Định 38/2012/NĐ-CP thì đối tượng áp dụng việc công bố thực phẩm là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và cấp giấy xác nhận công bố thực phẩm:
Căn cứ tại Điều 4 Nghị Định 38/2012/NĐ-CP cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận bản công bố thực phẩm bao gồm:
Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức quản lý công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, bao gồm: Thực phẩm chức năng; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; các sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức quản lý công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó đóng trên địa bàn.