Sao chép một bản để sử dụng thì không phải xin phép?
Trong xã hội hiện đại, thông tin được tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh mặt lợi là những tác phẩm tiệp cận được nhiều đối tượng hơn thì mặt trái là tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra thường xuyên hơn.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền “Sao chép tác phẩm” là một trong những quyền được ghi nhận, bảo hộ trong nhóm quyền tài sản thuộc về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ).
Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về những hành vi xâm phạm quyền tác giả có nêu rõ hành vi “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” là một hành vi xâm phạm. Tuy nhiên quy định tại điều luật này cũng có hai trường hợp ngoại lệ tại các Điểm a, đ Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
Tuy vậy, với những trường hợp trên, pháp luật cũng những quy định chi tiết hơn tại Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP như sau:
Tự sao chép một bản trong trường hợp “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” tại Điểm a Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.
Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Như vậy, chỉ khi “sao chép một bản để sử dụng” như ở hai trường hợp trên thì mới không cần xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Những trường hợp khác nếu không xin phép đều vi phạm quy định của pháp luật.