Những điều cần biết về đơn đăng ký nhãn hiệu
Mục lục
Đơn đăng ký nhãn hiệu là tài liệu không thể thiếu trong bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với đối tượng nhãn hiệu. Bạn cần phải thực hiện đăng ký này chính xác theo quy định của pháp luật hiện hành để cơ quan tiếp nhận đơn xem xét, xét duyệt hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của bạn nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Bảo hộ nhãn hiệu bao gồm các trình tự, thủ tục pháp lý về đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp với đối tượng này kể từ khi chủ sở hữu nhãn hiệu xác lập quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp. Khác với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập dựa trên cơ sở thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.”
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được quy định chung tại Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bao gồm các tài liệu sau:
- 02 Tờ khai đơn đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN
- 05 Mẫu nhãn hiệu
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp)
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên)
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Hướng dẫn điền đơn đăng ký nhãn hiệu chính xác
Đơn đăng ký nhãn hiệu cần phải thực hiện đúng theo mẫu mà Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành. Mẫu đơn đăng ký nhãn hiệu này bao gồm 07 phần chính mà người thực hiện cần đảm bảo cung cấp những thông tin chính xác nhất, đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với những thông tin mà mình đã khai.
Phần thông tin về nhãn hiệu đăng ký bảo hộ
Ở phần này, trước hết bạn cần lựa chọn chính xác loại nhãn hiệu mà mình muốn đăng ký bảo hộ. Tiếp đến, bạn cần dán mẫu nhãn hiệu của mình vào đơn đăng ký. Lưu ý:
- Kích thước nhãn hiệu nằm trong khổ 80mm × 80mm
- Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc la-mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập
Phần Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu, đại diện của chủ đơn
Ở phần này, bạn cần điền đầy đủ các thông tin chủ đơn là tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu như:
- Họ, tên đầy đủ
- Địa chỉ liên hệ
- Điện thoại, fax, email
Đồng thời, cần lựa chọn loại đối tượng đại diện của chủ đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tương ứng: người đại diện theo pháp luật, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ủy quyền, hay người khác được ủy quyền của chủ đơn.
Phần Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên
Trường hợp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, bạn phải khai báo ở phần này, nếu không thì có thể bỏ trống.
Phần Phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính và yêu cầu người nộp đơn phải thanh toán các khoản phí và lệ phí tương ứng. Trong mẫu đơn đăng ký đã được liệt kê sẵn tất cả các loại chi phí liên quan đến thủ tục này, tùy thuộc vào nhu cầu đăng ký bảo hộ cụ thể, bạn tích vào các phần chi phí khoản phí mà đã nộp, đồng thời điền số đối tượng tính phí và số tiền nộp tương ứng vào 2 cột bên cạnh.
Phần các tài liệu đính kèm đơn đăng ký
Tài liệu đính kèm đơn là phần vô cùng quan trọng, dựa vào những tài liệu này, chuyên viên thẩm định sẽ tiến hành xét duyệt khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu của bạn. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết và tích vào các ô tương ứng đã được in sẵn.
Phần danh mục hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu
Danh mục hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu phải được phân loại dựa theo bảng phần loại hàng hóa, dịch vụ quốc tế NICE 11. Bạn phải theo tuần tự từ nhóm có số thứ tự từ thấp đến cao. Mỗi nhãn hiệu có thể lựa chọn nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ khác nhau và sẽ được xét duyệt bảo hộ tại từng nhóm.
Phần cam kết của chủ đơn đăng ký
Chủ đơn hoặc đại điện của chủ đơn ký và ghi rõ họ tên khi làm tờ khai đơn đăng ký nhãn hiệu nếu chủ đơn/đại diện chủ đơn là cá nhân. Nếu chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn là tổ chức thì phải ghi rõ chức vụ và có dấu xác nhận của tổ chức đó.