Đối tượng nào thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp?
Mục lục
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm các quy định pháp lý vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ quyền của cá nhân, tổ chức đối với những đối tượng sở hữu công nghiệp mà mình đang sở hữu. Để có thể xác định liệu đối tượng mình đang sở hữu có được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hay không, cũng như cách thức bảo hộ như thế nào, hãy tham khảo tại nội dung bài viết dưới đây.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền gì?
Để tìm hiểu cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trước hết bạn cần định nghĩa được quyền sở hữu công nghiệp là loại quyền như thế nào.
Theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có định nghĩa:
“Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được quy định rất cụ thể, kèm theo các điều kiện cơ bản để pháp luật công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng này.
Sáng chế
Sáng chế được định nghĩa tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.”
Kiểu dáng công nghiệp
Đối tượng kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Thiết kế bố trí
Thiết kế bố trí là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Theo hướng dẫn tại khoản 14 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.”
Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tăng chóng mặt trong những năm trở lại đây đủ để chứng minh tầm quan trọng của nó trong sự phát triển kinh doanh.
Chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Căn cứ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Không giống như quyền tác giả phát sinh với cơ chế tự động; các đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ phát sinh quyền nếu đủ các căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, cụ thể:
“Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.”