Đăng ký nhãn hiệu thời trang cho sản phẩm quần áo như thế nào?
Mục lục
Để đáp ứng với xu thế phát triển toàn cầu và điều kiện sống của con người, các khách hàng ngày càng có nhu cầu cao về tính thẩm mỹ cũng như phát triển hình ảnh cá nhân. Vì vậy các cửa hàng thời trang, cửa hàng quần áo xuất hiện ngày càng nhiều. Để cạnh tranh công bằng cũng như tránh việc bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ thì việc tiến hành các giải pháp để bảo hộ sản phẩm sở hữu trí tuệ của mình là một điều vô cùng cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức. Mời các bạn theo dõi quy trình đăng ký nhãn hiệu thời trang cho sản phẩm quần áo qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về một trong số những phương án bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông dụng nhất hiện nay.
Các bước đăng ký nhãn hiệu thời trang cho sản phẩm quần áo
Các bước tiến hành đăng ký nhãn hiệu thời trang cho sản phẩm quần áo được diễn ra theo trình tự như sau:
Bước 1: Xác định đối tượng và phạm vi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Đầu tiên, bạn cần phải đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu. Đồng thời xác định những nhóm sản phẩm mà nhãn hiệu dự định gắn lên để được độc quyền sử dụng nhãn hiệu. Hay nói cách khác là xác định được phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Cụ thể của shop thời trang là quần áo, giày dép, phụ kiện,…
Bước 2: Tra cứu sơ bộ về tình trạng của nhãn hiệu
Với một quy trình đăng ký bảo hộ thông thường, đây có lẽ là bước quan trọng nhất. Bạn cần phải tra cứu sơ bộ xem nhãn hiệu quần áo của mình có bị trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác đã được đăng ký bảo hộ hay không. Việc này ảnh hưởng lớn đến khả năng bảo hộ của nhãn hiệu sau này.
Bước 3: Nộp đơn và theo dõi quá trình thẩm định đơn
Sau khi chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo quy định bạn sẽ phải tiến hành nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Lúc này, hồ sơ sẽ được thẩm định về mặt hình thức lẫn nội dung. Kết quả của quá trình thẩm định một là sẽ được dự kiến cấp văn bằng bảo hộ hoặc là có thông báo đề nghị sửa đổi hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Quá trình thẩm định đơn này sẽ kéo dài ít nhất 12 tháng. Sau thời gian trên nếu hồ sơ của bạn hợp lệ thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho shop của bạn.
Bước 4: Cấp văn bằng bảo hộ
Khi hồ sơ đăng ký đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật thì bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Lúc này nhãn hiệu gắn với những sản phẩm của bạn được pháp luật bảo hộ, bạn có toàn quyền sử dụng độc quyền đối với nhãn hiệu đó. Bất cứ nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu của bạn mà không xin phép đều được xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bất hợp pháp.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho shop thời trang
Ngoài tìm hiểu các bước đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tiêu chuẩn tiến hành như thế nào, bạn cũng cần phải chuẩn bị chính xác một bộ hồ sơ gồm các tài liệu như sau:
- Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu);
- Mẫu nhãn hiệu kèm theo các hàng hóa kinh doanh dự định gắn nhãn hiệu;
- Giấy ủy quyền trong trường hợp sử dụng dịch vụ;
- Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn;
- Tài liệu khác (áp dụng trong từng trường hợp cụ thể).
Việc chuẩn bị hồ sơ này rất quan trọng và yêu cầu người chuẩn bị phải có kiến thức nhất định về nhãn hiệu cũng như hiểu biết các quy định pháp luật về nó. Trường hợp nếu sai mẫu hoặc phân loại hàng hóa sai thì đơn đăng ký của bạn sẽ bị trả về. Việc bổ sung, sửa đổi và nộp lại sẽ kéo dài thời gian thẩm định đơn cũng như tốn thêm các khoản chi phí khác.