Luật sở hữu trí tuệ mới nhất quy định vấn đề gì?
Mục lục
Luật sở hữu trí tuệ được ban hành nhằm bảo vệ cho những thành quả lao động sáng tạo của con người. Qúa quá trình áp dụng đã cho thấy được sự đúng đắn cũng như hiệu quả thực tế. Nhất là khi các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ càng ngày càng phổ biến với những thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó mà từng quy định trong luật này lại càng được quan tâm.
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành là luật nào?
Nhằm phù hợp với mỗi giai đoạn thì các văn bản luật đều có sự thay đổi nhất định và luật sở hữu trí tuệ cũng như thế. Hiện tại văn bản đang có giá trị pháp lý hiện hành là Luật sở hữu trí tuệ 2006 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019. Văn bản được được tổng hợp từ Luật sở hữu trí tuệ 2005 ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 kết hợp với Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung lần lượt ra đời vào các năm 2009 và 2019.
Đây là cơ sở pháp lý đang có giá trị thực thi đến thời điểm hiện tại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đồng thời là các văn bản hướng dẫn nhằm thực thi hóa các quy định của luật này.
Một số nội dung trong Luật sở hữu trí tuệ
Về cơ bản Luật sở hữu trí tuệ sẽ xoay quanh các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đối với những loại tài sản đặc biệt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền tác giả
Quyền tác giả hay bản quyền là thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất khi bàn về sở hữu trí tuệ. Cơ chế này bao gồm 2 nội dung cơ bản là:
– Quyền tác giả: Quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền liên quan): Quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Tùy loại đối tượng mà sẽ được bảo hộ bằng quyền tác giả hay quyền liên quan. Về nguyên tắc thì những đối tượng này bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp
Khoản 4 Điều 4 định nghĩa về quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Đối tượng được bảo hộ bằng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Quyền đối với giống cây trồng
Mặc dù ít được nhắc đến nhưng quyền đối với giống cây trồng cũng quan trọng không kém. Khoản 5 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thể hiện rõ đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Đối tượng của quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.