Tình hình nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Mục lục
Những năm qua, hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại đã trở thành một kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng vào thị trường Việt Nam và ngược lại cũng là mô hình chủ đạo để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Bài viết dưới đây sẽ phân tích tình hình nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
1. Tình hình nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Tại Việt Nam, nhượng quyền thương mại xuất hiện từ trước năm 1975, thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ, như: Mobil, Shell,… Sau đó, mô hình này xuất hiện trở lại vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế, loại hình kinh doanh này ngày càng được nhiều doanh nghiệp triển khai áp dụng bởi các đặc tính hiện đại, thuận lợi của nó.
Giai đoạn từ năm 2007 – 2018, Việt Nam đã cấp phép cho 213 doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, như: McDonalds, Baskin Robbins, Pizza Hut, Lotteria, Burger King, BBQ Chicken,… Lĩnh vực nhận nhượng quyền thương mại từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng chiếm 41,31%; cửa hàng bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác chiếm 15,49%; thời trang chiếm 14,08%; giáo dục – đào tạo chiếm 11,47%… Chỉ tính riêng năm 2018, Việt Nam đã cấp phép nhượng quyền cho 17 doanh nghiệp nước ngoài với các thương hiệu, như: JYSK A/S; Puma SE; Factory Japan Group,… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sử dụng nhượng quyền thương mại, tiêu biểu như: Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery,…
2. Tác động của nhượng quyền thương mại
Việc phát triển kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại đã giúp các công ty nhượng quyền thương mại tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, gia tăng doanh số và lợi nhuận, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền, sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến, tiết kiệm chi phí tạo dựng thương hiệu cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng.
Hoạt động nhượng quyền thương mại không chỉ đem lại cơ hội đầu tư kinh doanh cho các chủ đầu tư mà còn giúp mở rộng, phát triển thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh. Với việc nhận nhượng quyền thương mại từ các công ty nước ngoài, các công ty Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín và được học hỏi, tiếp cận cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.
3. Xu hướng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
Hiện xu hướng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (còn được gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một công ty nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh (gọi là phát triển hệ thống chuỗi). Rất ít thương hiệu quốc tế tại Việt Nam phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2 (còn được gọi là nhượng quyền thứ cấp), khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo.
Theo Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu có giá trị cho việc mở rộng toàn cầu. Các lĩnh vực tiềm năng cho các công ty nhượng quyền bao gồm: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, khách sạn, thời trang, dịch vụ kinh doanh, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực ASEAN.
Mặc dù tiềm năng thị trường nhượng quyền thương mại của Việt Nam là rất lớn, nhưng vẫn còn những thách thức, như:
- Hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam còn mang tính tự phát và thiếu chuyên nghiệp;
- Doanh nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh với các nhà nhượng quyền hàng đầu tại thị trường quốc tế mà còn phải đối mặt với không ít khó khăn như: thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, thiếu vốn, chưa chuẩn hóa được quy trình và thương hiệu, chưa hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp,…
- Chưa có nhiều thương hiệu nội địa mạnh và uy tín. Vì vậy chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền, làm giảm khả năng nhượng quyền lẫn nhận nhượng quyền thương mại trên trường quốc tế lẫn thị trường trong nước,…