Tìm hiểu quy định tiết lộ bí mật kinh doanh
Mục lục
Pháp luật nghiêm cấm hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh. Nhưng thực tế, thực trạng bị tiết lộ bí mật trong kinh doanh vẫn thường xuyên diễn ra. Do đó, bạn cần phải có các biện pháp, chiến lược quản lý và bảo hộ tất cả bí mật trong hoạt động kinh doanh, như ký hợp đồng bảo mật với người lao động, hạn chế số lượng người biết bí mật kinh doanh,…
1. Thuật ngữ bí mật kinh doanh được hiểu như thế nào?
Bí mật kinh doanh được xem là những thông tin có được từ những hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ mà chưa được bộc lộ ra bên ngoài và có khả năng sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Bí mật kinh doanh có thể bao gồm cả bí mật trong thương mại, dữ liệu thử nghiệm về công thức sản xuất ra những sản phẩm; chiến lược quảng cáo và quy trình phân phối. Ngày nay, việc bảo vệ bí mật kinh doanh rất quan trọng, bởi đây là một trong những vũ khí cũng như bí quyết để giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và có vị thế hơn trên thị trường.
2. Tiết lộ bí mật kinh doanh có được xem là hành vi xâm phạm không?
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, những hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, làm vi phạm đến quyền lợi của chủ sở hữu bí mật kinh doanh:
- Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
- Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh: Hành vi này chủ yếu hướng đến chủ thể thứ ba, tức là không trực tiếp chiếm đoạt bí mật kinh doanh từ chủ sở hữu hay người nắm giữ hợp pháp bí mật nhưng có thể tiếp nhận từ người trực tiếp chiếm đoạt bí mật kinh doanh, những người thứ ba khác hoặc từ các nguồn công khai sau khi bí mật đã được bộc lộ. Kể cả khi người này tiếp nhận thông tin một cách ngay tình, pháp luật cũng không cho phép họ tiếp tục sử dụng hay lưu truyền thông tin cho người khác;
- Vi phạm hợp đồng bảo mật bí mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó: Hợp đồng bảo mật là hợp đồng mà theo đó một bên hợp đồng được quyền tiếp cận thông tin bí mật nhưng có nghĩa vụ phải bảo mật. Bên có nghĩa vụ bảo mật làm lộ thông tin cho bên thứ ba thì bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh;
- Hành vi tiếp cận, thu thập các thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của các cơ quan nhà nước;
- Không thực hiện nghĩa vụ trong việc bảo mật dữ liệu thử nghiệm.
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018, cấm hành vi tiết lộ thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Như vậy, việc tiết lộ bí mật kinh doanh mà không được sự cho phép của chủ sở hữu hành vi bị cấm. Đây được xem là hành vi xâm phạm đến quyền lợi của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.
3. Lý do cần phải bảo hộ bí mật kinh doanh?
Đối với một công ty đang hoạt động hay một công ty mới, muốn tồn tại, phát triển và đứng vững trong môi trường này, cần phải có đủ năng lực tự tạo ra hay tiếp nhận các thông tin hữu ích để tạo ra và cung cấp các hàng hóa và dịch vụ mới hoặc cải tiến ra thị trường. Những thông tin hữu ích như vậy được xem là bí mật kinh doanh.
Các đối thủ cạnh tranh thường tìm ra cách thức để tiếp cận những bí mật kinh doanh này, chẳng hạn như mua chuộc hay chỉ là thuê lại các nhân viên chủ chốt công ty đối thủ – những người tạo ra hoặc được tiếp cận bí mật kinh doanh. Khi phát hiện bí mật kinh doanh bị “đánh cắp” hoặc có chủ thể bộc lộ trái phép bí mật kinh doanh của mình thì chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại; hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có biện pháp xử lý như phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi phạm… hay các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền có áp dụng các biện pháp để xử lý các hành vi xâm phạm thì thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra chưa chắc có thể khắc phục đầy đủ. Do đó, bạn cần phải có các biện pháp, chiến lược quản lý và bảo hộ bí mật kinh doanh.